“Nếu có sự thay đổi tư duy theo hướng này, thì hoạt động thuê và cho thuê các dịch vụ CNTT sẽ thực sự phát triển mạnh, đồng thời cũng sẽ giúp các DN tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Dũng nói.
Theo giới chuyên môn, một trong những loại hình thuê ngoài dịch vụ CNTT đang có xu hướng phát triển mạnh là thuê ngoài dịch vụ trung tâm dữ liệu. Tính đến thời điểm này, tại thị trường Việt Nam, có 15 DN, như GDS, Viettel, FPT, CMC, VNPT, Netsoft… đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn có thể cho thuê lại. Theo các DN này, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng dưới 50 tủ rack thì không nên thiết lập trung tâm dữ liệu nội bộ. Bởi ở quy mô đó, khách hàng cần phải cân nhắc về chi phí đầu tư, chi phí vận hành và tổ chức quản lý. Ngoài ra, khi tự thiết lập trung tâm dữ liệu nội bộ, các DN sẽ gặp nhiều vấn đề với thiết bị sau 2-3 năm hoạt động. Trong khi đó, theo tính toán, chi phí để xây dựng một trung tâm dữ liệu (tối thiểu rộng 500 m2) ước khoảng từ 5.400 USD/m2 đến 13.000 USD/m2 và mất từ 24 đến 36 tháng để xây dựng.
Tuy nhiên, khi quyết định thuê ngoài dịch vụ trung tâm dữ liệu thay cho hình thức đầu tư xây dựng một trung tâm dữ liệu riêng, DN cũng nên cân nhắc kỹ để lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ phù hợp.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS), điều quan trọng nhất với một trung tâm dữ liệu không nằm ở việc mua sắm thiết bị, hệ thống, mà là vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, kịch bản khôi phục sau sự cố… “Theo các nghiên cứu, thì việc xây dựng các trung tâm dữ liệu chỉ quyết định 49% yếu tố thành công, còn 51% còn lại là do vận hành và khai thác”, ông Nghĩa nói.
Cùng chung quan điểm trên, đại diện một DN chuyên cung cấp dịch vụ thuê ngoài trung tâm dữ liệu lớn khác tại Hà Nội cũng nhận định, vốn đầu tư không phải là tiêu chí chính để đánh giá chất lượng một trung tâm dữ liệu, mà quan trọng là chi phí mà nhà đầu tư chi ra để duy trì tình trạng hoạt động tốt của một trung tâm dữ liệu.
Vị đại diện này khẳng định, để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, các thiết bị của trung tâm dữ liệu cần phải được bảo dưỡng định kỳ, có đơn vị bảo dưỡng chuyên nghiệp, quy trình bảo dưỡng cần được tính toán cẩn trọng để tránh gián đoạn dịch vụ, đồng thời có kế hoạch xử lý khi hệ thống gặp sự cố ở các cấp độ khác nhau.
(baodautu)