Siêu băng rộng sẽ là nền tảng của thế giới số mới. Ảnh minh họa
Hơn 6 tỷ thuê bao đang kết nối với nhau và những kết nối này đã thay đổi mọi phương tiện trong cuộc sống, công việc của chúng ta. Hãng Huawei cho rằng, thế giới sắp bước vào kỷ nguyên siêu băng rộng.
Tại Hội nghị các nhà phân tích toàn cầu hàng năm lần thứ 10 của Huawei vừa qua, Sanqi Li – Giám đốc công nghệ của Huawei cho rằng trong 5 năm qua, băng rộng cố định toàn cầu phát triển mạnh mẽ và thế giới đã bước vào kỷ nguyên siêu băng rộng. “Siêu băng rộng sẽ là nền tảng của thế giới kỹ thuật số mới”, giám đốc Huawei nói. Với kỷ nguyên siêu băng rộng, người tiêu dùng, hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ sử dụng các dịch vụ kết nối dữ liệu cáp quang FTTx. Hãng ước tính đến năm 2017, sự tăng trưởng của năng lực mạng lưới viễn thông di động sẽ tăng gấp 20 lần so với hiện nay.
Trong khi đó, Shao Yang – Giám đốc marketing thiết bị của Huawei, cho rằng hiện nay các thiết bị di động tích hợp nhiều chức năng đã mang lại một trải nghiệm “tất cả trong một” cho con người, giúp cuộc sống con người trở nên phong phú hơn. Trong tương lai sẽ có một loạt thiết bị thông minh mới ra đời, làm thay đổi mọi phương diện của cuộc sống, từ việc giải trí như xem TV hay các mặt khác của đời sống như lái xe, tập thể dục, thậm chí cả cách ngủ cũng có thể thay đổi…
Các xu hướng dẫn đầu bao gồm ngôi nhà thông minh, văn phòng thông minh, phương tiện giao thông thông minh và những thiết bị thông minh đeo trên người. Chúng sẽ tích hợp sức mạnh điện toán, kết nối, hiển thị, đám mây, thiết bị thông minh và các công nghệ đa dạng khác. “Sẽ có một hệ thống duy nhất, đầy đủ cho tất cả thiết bị thông minh”, Shao Yang nói. Huawei cho rằng sự thâm nhập nhanh chóng của các thiết bị thông minh đã thúc đẩy sự tăng trưởng của cả băng rộng di động và băng rộng cố định, do người dùng có xu hướng chuyển sang băng rộng cố định tại nhà hoặc nơi làm việc để thỏa mãn hiệu quả hơn “cơn khát” băng rộng của các ứng dụng. Bằng cách đưa ra các gói cước dịch vụ hợp nhất, nhà mạng có thể giảm được tỷ lệ thuê bao rời mạng và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
“Các xu hướng mới như di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đưa ngành công nghiệp viễn thông, CNTT đến một giai đoạn cạnh tranh mới. Ngoài ra, quá trình số hoá đang diễn ra mạnh mẽ trong thế giới thực. Xu hướng Internet of Things (M2M), thương mại điện tử và truyền thông số đang tạo ra những thay đổi lớn cho nhiều ngành công nghiệp truyền thống. Vì thế, sự tích hợp chặt chẽ giữa thế giới số vào thế giới thực không chỉ thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển, mà còn thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta sống và làm việc”, Will Zhang – Chủ tịch phụ trách mảng chiến lược tập đoàn của Huawei nói.
Trước xu thế mới, các doanh nghệp viễn thông đang đối mặt với thách thức trong mô hình kinh doanh hiện nay, khi nguồn doanh thu đã bão hoà và đang giảm. Vì thế, nhà mạng cần tạo ra nguồn doanh thu mới. “Mô hình kinh doanh tương lai có thể là định vị giá trị mới trong thời đại số, các mạng lưới viễn thông sẽ xoay quanh mạng xã hội, mạng nội dung, mạng ảo, mạng doanh nghiệp, mạng gia đình…”, Sanqi Li nói. Chính sách viễn thông trong thời đại số cần tuỳ biến, cởi mở, tự động và linh hoạt.
Huawei tin rằng các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nội dung Internet phải hợp tác với nhau để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng và mang lại một trải nghiệm người dùng xuất sắc nhất. Mô hình hợp tác giữa các nhà cung cấp nội dung Internet và các nhà mạng sẽ đi từ hình thức Over The Top (OTT) sang Via The Telco (VTT). Sanqi Li giải thích rằng khi chuyển biến sang hình thức hợp tác VTT, Huawei tin rằng các nhà mạng sẽ không còn chỉ là một “đường ống”, một kênh chuyển phát lưu lượng dữ liệu và các dịch vụ nội dung của các hãng thứ ba như trong hình thức OTT, mà với VTT, nhà mạng cũng sẽ là một kênh bán hàng tiện lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung Internet và hưởng lợi từ những dịch vụ này.
Theo Huawei, cơ cấu doanh thu của ngành viễn thông sẽ thay đổi lớn trong năm 2016, cụ thể mảng doanh thu đến từ thoại và SMS chỉ chiếm 40%, giảm so với mức 67% vào năm 2011; trong khi đó doanh thu đến từ dữ liệu sẽ tăng gấp đôi, lên 30% vào năm 2016 từ mức 15% năm 2011.
B.B