Các địa phương muốn đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình

Ngày 11/05/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lộ trình số hóa truyền hình cần có giải pháp đặc thù và chính sách ưu đãi khác nhau theo vùng miền

Các đài truyền hình đều đưa ra cam kết sẽ tuân thủ lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, thậm chí còn muốn đẩy nhanh hơn lộ trình mà Chính phủ đặt ra.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 diễn ra ngày 26/3 tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm 2010 khi TP HCM dừng phát sóng truyền hình tương tự thì chỉ ảnh hưởng đến chưa đầy 5% hộ gia đình vì 95% các hộ đã sử dụng cáp, vệ tinh và truyền hình số mặt đất của VTC. Thời điểm hiện tại TP HCM có 1,9 triệu hộ gia đình, nhưng có 1,8 triệu thuê bao truyền hình (trong đó có 1,4 triệu thuê bao truyền hình cáp). Như vậy, TP HCM đã đạt trên 95%, có thể tắt truyền hình analog. Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết theo lộ trình đến 31/12/2015 sẽ tắt truyền hình analog tại 5 tỉnh thành phố lớn và yêu cầu các tivi trên 32 inch phải tích hợp các thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì hầu hết các hộ gia đình tại các thành phố lớn đều sử dụng truyền hình cáp vì vậy cần phải tích hợp thu truyền hình cáp số, thậm chí cả vệ tinh vào tivi này để tránh lãng phí.

Ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý, hiện nay các tỉnh rất muốn phát trên hệ thống truyền hình của HTV, nhưng nếu không số hóa sẽ không đảm bảo số lượng kênh phát. Hiện tại HTV chỉ phát được 70 – 80 kênh, trong khi đó nhu cầu phát của các tỉnh trên địa bàn thành phố rất lớn. Nếu số hóa truyền hình thì HTV sẽ phát được từ 300 – 600 kênh và như vậy sẽ đủ phục vụ cho các nhu cầu này.

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Mạnh Hà, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần có chính sách để các loại tivi phải tích hợp thu truyền hình cáp số, thậm chí cả vệ tinh để tránh lãng phí. Ông Cả cũng đưa ra khó khăn rằng theo lộ trình Quảng Nam sẽ số hóa vào năm 2018 và Đà Nẵng sẽ số hóa vào năm 2015. Thế nhưng 1/3 dân số Quảng Nam đang thu tín hiệu từ đài Đà Nẵng. Như vậy, người dân sẽ không bắt được tín hiệu truyền hình nếu không chuyển đổi thiết bị. Hiện, nếu đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo ở Quảng Nam thiết bị giải mã tín hiệu số thì sẽ hết khoảng 30 tỷ đồng. Vì vậy, ông Trần Minh Cả đặt câu hỏi nếu Quảng Nam phấn đấu nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, để đạt trên 80% dân số có thiết bị thu tín hiệu số thì địa phương có thể đăng ký về trước quy hoạch hay không? 

Đài Truyền hình Vĩnh Long thì cho rằng sẽ sớm hoàn thành lộ trình số hóa năm 2015 và sẽ phát hoàn toàn miễn phí cho các đài khu vực miền Tây. Đài Truyền hình Vĩnh Long đồng ý với quy hoạch là có 5 doanh nghiệp truyền dẫn vùng, 3 doanh nghiệp làm toàn quốc và cũng sẽ hợp tác với các đài truyền hình trong khu vực để có thể lập công ty cổ phần làm truyền dẫn phát sóng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh từ tháng 6/2013, các đài địa phương có báo cáo với lãnh đạo tỉnh mình tham gia Đề án số hóa này như thế nào như phương án triển khai, kế hoạch hợp tác… Sau đó, các UBND tỉnh, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh nên có phiên họp chuyên đề bàn về những khó khăn, giải pháp, hợp tác tham gia Đề án để trình Bộ TT&TT. Từ tháng 6 đến tháng 9/2013, Ban chỉ đạo Đề án số hóa rà soát đăng ký của các địa phương để cuối năm trình quy hoạch về truyền dẫn phát sóng. Phó Thủ tướng còn cho rằng lộ trình số hóa truyền hình cần có giải pháp đặc thù và có chính sách ưu đãi khác nhau theo vùng miền. Việc hỗ trợ cho người dân chuyển đổi thiết bị giải mã tín hiệu số có thể sử dụng Quỹ VTCI, nhưng đồng thời có thể lấy từ nguồn kinh phí của địa phương để đẩy nhanh hơn quá trình số hóa truyền hình.

NT-http://ictnews.vn-28/03/2013 11:10:41

024 7303 4068