5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ tắt sóng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng đã đề cập rất rõ các nhóm giải pháp, trong đó nêu rõ cùng với việc hiện đại hóa, chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ tương tự sang truyền hình số cần phải nâng cao chất lượng nội dung cho truyền hình số. Chỉ có như vậy thì người dân mới tự thấy được lợi ích tự nguyện chuyển đổi từ analog sang truyền hình số.
Đồng thời, trong Quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, VN sẽ có từ 6-8 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, trong đó có từ 2-3 doanh nghiệp truyền dẫn toàn quốc. Hiện đã có 3 DN khai thác toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Do đó, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ “xem xét, cấp phép cho một số DN cung cấp dịch vụ TDPS cho các khu vực, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Không còn con đường nào khác ngoài số hóa truyền hình!
Chia sẻ tại “Hội nghị toàn quốc triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020″ sáng 26/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, số hóa truyền hình là con đường tất yếu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đã coi xu hướng số hóa truyền hình là bất khả kháng.
Hiện tại, truyền hình số có thể được chia thành các loại hình chủ yếu (dựa theo phương thức truyền dẫn tín hiệu) là: truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp số, IPTV, Truyền hình OTT. Trong đó, truyền hình số vệ tinh, IPTV và truyền hình cáp số chủ yếu là các loại hình truyền hình trả tiền. Truyền hình số mặt đất được sử dụng chủ yếu cho mục đích quảng bá miễn phí.
Theo phân tích của ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số – Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) thì truyền hình số mặt mặt đất dễ thu tín hiệu hơn so với truyền hình vệ tinh, cách sử dụng đơn giản hơn so với IPTV và chi phí người dùng phải trả cũng rẻ hơn. Do đó, truyền hình số mặt đất luôn được chính phủ các nước “ưu tiên nhất” để triển khai.
“Nếu như tất cả các nước đều số hóa truyền hình thì tín hiệu số sẽ trở thành chuẩn giao tiếp chung giữa các đài truyền hình với nhau. Những đài analog sẽ dần dần biến mất”, ông Hoan cho biết.
Bên cạnh đó, khi chuyển sang truyền hình số thì các kênh truyền hình địa phương có độ phân giải tiêu chuẩn (SDTV) sẽ được phủ sóng rộng hơn so với truyền hình analog. Các đài sẽ có cơ hội cạnh tranh mạnh hơn để thu hút quảng cáo và người dân sẽ được thụ hưởng nhiều nội dung hấp dẫn hơn.
Số liệu thống kê của Viện Chiến lược (Bộ TT&TT) cho biết, hiện chỉ có khoảng 6 triệu trong tổng số 22 triệu hộ gia đình của cả nước chưa có ti vi, trong số đã có ti vi thì truyền hình số mặt đất chiếm tới 63,69%. Trong khi các đài truyền hình dùng công nghệ truyền dẫn, phát sóng tương tự mặt đất là chủ đạo với 76 trong số 88 kênh.
Như vậy thì câu chuyện số hóa mặt đất không còn là “làm hay không”, mà chỉ còn lại là “làm ra sao”, lộ trình thế nào mà thôi, như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Nhà đài than khó!
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện VTV cho biết, hiện Đài THVN đã tiến hành phát sóng số tại HN và TP.HCM từ tháng 9/2012 và mở rộng đến Đà Nẵng trong năm nay.
Tuy nhiên, vị này cho biết, khi chuyển đổi sang số mặt đất, VTV đã gặp nhiều khó khăn về kinh phí, do chi phí triển khai hạ tầng TDPS cũng như chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình sang HD lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VTV cũng nhắc lại những khó khăn từ phía phương tiện thu, xem của người dân. Trên thị trường hiện vẫn còn lưu hành một số lượng lớn các đầu thu thuộc thế hệ cũ để thu TH số mặt đất của VTC, nhưng đến ngày 1/1/2016 thì toàn bộ số đầu này sẽ không thể dùng được tiếp do không đáp ứng được chuẩn MPEG-4 mới.
Trong khi đó, đại diện VTC lại cho rằng, do truyền hình số mặt đất là loại hình truyền thông có nhiệm vụ chính trị, quảng bá nên “không thể kinh doanh được, khó có thể tiến hành thu phí thuê bao” số đông người dân. Việc số hóa lại đòi hỏi lượng tiền đầu tư rất lớn, mà hiện tại DN chỉ biết trông chờ vào quảng cáo để bù vào.
Cần làm rõ mô hình kinh doanh
Trong lúc các nhà đài chủ yếu kêu khó về kinh phí thì vấn đề mô hình kinh doanh mới là câu hỏi lớn nhất của những doanh nghiệp có ý định nhảy vào khai thác truyền dẫn phát sóng.
Đại diện Hanel cho biết, doanh nghiệp này đã nộp Đề án đầu tư thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất lên Bộ TT&TT từ năm 2010, đề nghị được đầu tư thiết lập mạng và khai thác dịch vụ ở khu vực đồng bằng Sông Hồng (gồm 13 tỉnh, thành).
“Tuy nhiên, có một số nhận xét có thể trở thành vấn đề trong quá trình triển khai đề án, mà nếu không được cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ, kịp thời có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ đề án”, vị này chia sẻ.
Cụ thể, Hanel cho rằng Bộ TT&TT cần phân định rõ nhiệm vụ phát các kênh truyền hình quảng bá, có nhiệm vụ chính trị tại các địa phương là thuộc trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ nào (toàn quốc hay khu vực), bởi theo Đề án thì trên mỗi địa bàn phải đảm bảo có ít nhất một mạng truyền dẫn, phát sóng số chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Thứ đến, đài PTTH địa phương có thể chủ động lựa chọn doanh nghiệp (toàn quốc hay khu vực) để thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các kênh của mình hay không. Hanel cũng tỏ ra băn khoăn về khả năng cạnh tranh của các DN truyền dẫn phát sóng khu vực, bởi xét về hiệu quả tuyên truyền, họ khó có thể cạnh tranh được với các DN có quy mô toàn quốc và đương nhiên cũng khó thu hút quảng cáo hơn.
Tuy vậy, có thể thấy vướng mắc lớn nhất ở các doanh nghiệp xin cấp phép truyền dẫn phát sóng mới như Hanel đang lo ngại chính là những cơ chế và sự minh bạch trong quy định, quản lý nhà nước đối với DN lớn (toàn quốc) và DN khu vực.
Cuối năm 2013 sẽ có Quy hoạch PTTH toàn quốc!
Sau khi nghe tham luận của các bên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các tỉnh, thành nên thảo luận thêm về tiến độ số hóa cụ thể trên địa bàn mình. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 6, các tỉnh đều có đề án sơ bộ với những nội dung như dự kiến phương thức triển khai, kinh phí, hợp tác với ai… để gửi cho Bộ TT&TT xem xét.
Trên cơ sở các đề án sơ bộ này, Bộ TT&TT sẽ tiến hành cân đối với các DN, đơn vị xin cấp phép khai thác dịch vụ truyền dẫn phát sóng để đảm bảo quy mô thị trường phù hợp, lành mạnh. Đồng thời, Bộ TT&TT cần phải hoàn thiện và trình được Chính phủ Quy hoạch PTTH cả nước trước cuối năm 2013, nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp, đài PTTH triển khai thuận lợi quá trình số hóa.
Đối với vấn đề kinh phí mà các đài nêu ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Bộ TT&TT cần đề cập cụ thể hơn đến các giải pháp tài chính và có xét đến đặc thù từng vùng, để từ đó xây dựng các cơ chế ưu đãi cho phù hợp. Bộ TT&TT cũng cần sớm xây dựng danh mục các kênh truyền hình quảng bá, phục vụ mục đích chính trị và sớm ban hành quy hoạch tần số cho truyền hình mặt đất để tạo điều kiện cho các đài TH, các DN TDPS hoạt động.
Về phía Bộ TT&TT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ sẽ tập trung xem xét, cấp phép mạng và thiết lập dịch vụ cho một số DN truyền dẫn phát sóng cả nước cũng như khu vực trong thời gian tới. Theo chỉ đạo của Bộ, ba đơn vị lớn là VTV, VTC và AVG sẽ phải đẩy nhanh phát sóng TH số mặt đất ở 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, trong đó, chọn ra một vài thành phố “điểm” để tiến hành số hóa trước và rút ra kinh nghiệm cho những giai đoạn triển khai tiếp sau.
Lộ trình 4 bước Theo kế hoạch số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất thì Việt Nam sẽ thực hiện số hóa song song với ngừng phát sóng truyền hình analog mặt đất và chia thành 4 giai đoạn: Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 Thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành số hóa tại 26 tỉnh khác như Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình Khánh Hòa, Bình dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Dự kiến, các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016. Giai đoạn 3 tiếp tục mở rộng ra 18 tỉnh thành khác gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau… Thời hạn chót cho việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình số mặt đất là trước ngày 31/12/2018. Cuối cùng, giai đoạn 4 sẽ tiến hành với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…với thời hạn chót là ngày 31/12/2020. Hiện tại, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi UBND các Tỉnh, Thành để hướng dẫn một số nội dung của Đề án số hóa, đặc biệt lưu ý các địa phương “không đầu tư mua sắm, triển khai mới các máy phát hình analog trên địa bàn, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết (như phủ sóng truyền hình cho vùng sâu, vùng xa hoặc thay thế máy bị hỏng). Các quy chuẩn về truyền hình số và quy định tích hợp chức năng thu truyền hình số vào TV cũng đã được ban hành.
Một số nội dung trọng điểm sẽ được triển khai trong thời gian tới của Đề án là Bộ TT&TT sẽ xây dựng quy hoạch tần số truyền hình mặt đất đến năm 2020, phân bổ tần số… Đặc biệt, Bộ sẽ tiến hành cấp phép cho các đơn vị, doanh nghiệp TDPS mới, trên cơ sở đánh giá kỹ mô hình hoạt động, kinh doanh của DN đó, cân nhắc tính khả thi và duy trì hoạt động lâu dài, có hiệu quả trong đơn xin cấp phép. Bộ TT&TT khẳng định, dịch vụ TDPS là một dịch vụ đặc biệt, được thực hiện bởi các doanh nghiệp nên cần có sự quản lý chặt của Nhà nước cả về chất lượng lẫn giá thành dịch vụ. Chỉ có như vậy mới “đảm bảo được an toàn, không gián đoạn các kênh truyền hình, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan”. Đề án nêu rõ, hiện nay mới chỉ có một số DN, đơn vị đề nghị được cấp phép cung cấp dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Tại các khu vực không có khả năng hình thành DN TDPS quy mô khu vực, Bộ sẽ nghiên cứu khả năng giao việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình địa phương cho các doanh nghiệp toàn quốc đảm nhận. |