Theo lời khuyên của hãng tư vấn viễn thông toàn cầu Ovum, các nước có thể xây dựng chính sách quản lý OTT dựa trên định nghĩa về 4 loại dịch vụ VoIP (gọi điện qua Internet) khác nhau.
Nhiều nước còn bối rối về định nghĩa và chính sách quản lý OTT
Ovum coi sự xung đột giữa Cơ quan quản lý viễn thông Pháp (Arcep) và Skype là một ví dụ điển hình về sự bối rối của nhà quản lý trong việc định nghĩa và quy định về dịch vụ OTT.
Mới đây, Arcep yêu cầu cơ quan công tố Paris điều tra Skype nhằm yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ OTT này tuyên bố là một nhà khai thác viễn thông điện tử. Skype từ chối chấp hành và cho tới nay, Arcep vẫn chưa thể ngăn chặn Skype hoạt động tại Pháp.
Skype là một dịch vụ truyền thông trực tuyến hoạt động trên nền mạng viễn thông (Over-the-top, viết tắt là OTT), tức là sử dụng nội dung và băng thông của mạng viễn thông để cung cấp các dịch vụ gọi điện qua Inernet (VoIP). Hiện tại đã có hàng trăm triệu người dùng Skype trên khắp thế giới.
Theo Arcep, khi một công ty hoạt động với tư cách nhà mạng viễn thông, họ phải gánh chịu một số nghĩa vụ, như cung cấp kết nối với số máy khẩn cấp và có các phương tiện cho phép chính quyền thực hiện hoạt động nghe lén hợp pháp.
Theo luật pháp của nước Pháp, một công ty viễn thông không cần phải có giấy phép hành chính thì mới được hoạt động, nhưng công ty đó phải đứng ra công bố trước. Skype không chịu tuyên bố là một công ty viễn thông, và việc không tuân thủ pháp luật bị coi là phạm tội hình sự. Arcep cho hay họ đã chuyển vấn đề này cho cơ quan công tố Paris điều tra. Trong khi đó, Skype không thực hiện yêu cầu của Arcep và tuyên bố đó không phải nghĩa vụ của Skype.
Arcep bắt đầu thủ tục tố tụng từ năm 2007, nhưng không thể hoàn tất vì Skype đã di chuyển mọi hoạt động của họ tại châu Âu sang một địa điểm duy nhất tại Luxembourg. Điều này đặt Skype vào tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý.
Theo hãng tư vấn viễn thông toàn cầu Ovum, cơ quan quản lý viễn thông của mỗi quốc gia cần giải quyết được vấn đề nan giải dẫn tới cuộc xung đột giữa Skype và Arcep, đó là: Những tổ chức như Skype có thể được định nghĩa là một nhà cung cấp dịch vụ truyền thông điện tử hay không.
Nên định nghĩa 4 loại VoIP khác nhau để quản lý OTT
OTT ngày càng tác động lớn tới doanh thu của các hãng viễn thông. Báo cáo “The Future of Voice” của Ovum dự đoán rằng trong khoảng thời gian từ năm 2012 tới 2020, các ứng dụng VoIP sẽ làm ngành công nghiệp viễn thông mất 479 tỷ USD doanh thu.
Mặc dù được sử dụng ngày càng nhiều trên khắp thế giới, các dịch vụ VoIP mới chỉ xuất hiện trong lĩnh vực viễn thông, điều này được phản ánh rất rõ trong những mâu thuẫn về môi trường quản lý OTT trên toàn cầu.
Báo cáo mới đây của Ovum có tên “The Regulation of VoIP Services” (Tạm dịch “Quy định về các dịch vụ VoIP) cho thấy cơ quan quản lý các nước gặp nhiều khó khăn để phân loại các dịch vụ VoIP, chủ yếu vì nó vừa được coi là công nghệ, vừa là dịch vụ. Vì dịch vụ OTT đem lại nhiều quyền lợi cho người sử dụng, nên Ovum kỳ vọng các nước sẽ có cách tiếp cận hài hòa khi các dịch vụ điện thoại dần chuyển sang dùng công nghệ VoIP.
Theo Ovum, việc định nghĩa 4 loại VoIP khác nhau có thể là điểm khởi đầu tốt để một cơ quan xây dựng chính sách quản lý dịch vụ OTT. Bốn loại dịch vụ VoIP đó là: 1- Gọi điện từ máy tính tới máy tính; 2 – Gọi điện từ máy tính tới điện thoại; 3 – Gọi điện từ điện thoại tới máy tính; 4 – Gọi điện từ điện thoại tới điện thoại.
Theo Ovum, viễn thông các nước nên hướng tới mục tiêu là các dịch vụ OTT được quản lý theo cùng cách và phải tuân thủ cùng nghĩa vụ như các dịch vụ điện thoại truyền thống.
Phạm Duyên
Tổng hợp
Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 49 ra ngày 24/4/2013