ICTnews – Chiếm hơn 70% thị phần truyền hình cáp, nhưng bị nhiều khách hàng phản ánh chất lượng phập phù, giá liên tục tăng, VTV đang bị “tố” độc quyền trên thị trường truyền hình trả tiền. Thế nhưng, điều kỳ lạ là Hiệp hội Truyền hình trả tiền lại có văn bản đề nghị phải “ngăn sông cấm chợ” cho truyền hình cáp.
Hiệp hội truyền hình trả tiền đang đại diện cho ai?
Các dịch vụ truyền hình trả tiền mà VTV cung cấp từ lâu đã bị người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng và giá cả. Ảnh: Thái Anh
Ngay sau khi Viettel, VNPT, FPT, AVG tuyên bố muốn nhảy vào thị trường truyền hình cáp thì thị trường này lập tức “nổi sóng” bởi các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ mà đứng đầu là VTV đã lên tiếng đòi “ngăn sông cấm chợ”.
Ngày 23/8/2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình HFC cho các đơn vị mới. Nguyên nhân sâu xa là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp gây lãng phí nhiều.
Đồng thanh tương ứng, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đã đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đề nghị có ý kiến chính thức về việc các DN viễn thông tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Nội dung của các văn bản này đề nghị các cơ quan quản lý phải “ngăn sông cấm chợ” đối với các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường truyền hình cáp. Đề nghị của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cho rằng thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới trong thời gian qua đang có xu hướng chậm lại do truyền hình vệ tinh của VSTV (K+), VTC, HTV đã phủ sóng cả nước, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của các tầng lớp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại các thành phố, thị xã, thị trấn, các tỉnh đồng bằng đều có ít nhất 2 mạng cáp, đã đáp ứng nhu cầu đa dạng, đa dịch vụ của người dân có thu nhập khá trở lên. VTV cho rằng việc các tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình – một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Quan trọng hơn, điều này dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.
Nghe những lập luận trên có vẻ hợp lý. Thế nhưng, sự thật về truyền hình trả tiền mà cụ thể ở đây là dịch vụ truyền hình cáp, một dịch vụ được coi chủ lực nhất, lại khá phũ phàng. Việt Nam có quãng thời gian hơn 9 năm để phát triển thị trường truyền hình cáp, nhưng chỉ có khoảng 15% hộ gia đình được sử dụng. Chỉ trong vòng 3 năm thì giá dịch vụ truyền hình cáp đã bị VTV đẩy lên cao gấp tới gần 3 lần. Truyền hình cáp tuy phủ khắp cả nước nhưng mới ở trung tâm tỉnh, thành là chính và chất lượng bị nhiều khách hàng than phiền. Cho dù có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền có “dây mơ rễ má” với VTV. Hiện trên thị trường truyền hình trả tiền thì VTV chiếm khoảng 70%, nếu chỉ tính riêng dịch vụ truyền hình cáp thì con số này còn cao hơn rất nhiều.
Những con số trên cho thấy mức độ sử dụng dịch vụ cũng như quy mô thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam rất thấp so với mục tiêu chiến lược mà Việt Nam đặt ra. Theo phân tích của Kantar Media, với dân số Việt Nam trên 85 triệu dân, tương đương 21 triệu hộ gia đình thì đây là thị trường tiềm năng rất lớn cho truyền hình trả tiền. Đặc biệt, theo quy hoạch truyền dẫn phát sóng đến năm 2020, bắt buộc phải số hóa truyền hình thì dịch vụ này sẽ phát triển mạnh. Bộ TT&TT cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2015 phải có 30 – 40% số hộ gia đình dùng dịch vụ truyền hình trả tiền và đến năm 2020 con số này được nâng lên 70%.
Một câu hỏi đặt ra là với vai trò của Hiệp hội Truyền hình trả tiền bên cạnh việc phải bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thành viên, thì việc phát triển thêm thành viên trong hiệp hội mình cũng là xứ mạng không hề nhỏ. Bên cạnh đó, Hiệp hội phải đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của thị trường và xứ mạng cao hơn nữa là bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, những đề nghị mang tư tưởng “ngăn sông cấm chợ” như trên có vẻ như đang khiến Hiệp hội Truyền hình trả tiền khó có câu trả lời mang tính “thấu lý, đạt tình”. Và dường như những văn bản đề nghị “ngăn sông cấm chợ” như vậy đang khiến cho nhiều người không khỏi nghi ngờ Hiệp hội Truyền hình trả tiền đang “giữ gôn” cho VTV bởi nếu chính sách “ngăn sông cấm chợ” được hiện thực thì VTV là người có lợi nhiều nhất.
Phát biểu trên truyền thông gần đây, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG cho biết, không phải hiệp hội ra đời thì đương nhiên mọi việc đều tốt đẹp. Ông cho rằng nếu hiệp hội hoạt động kém hiệu quả, trong trường hợp nguy hiểm nhất là bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì tình hình có khi còn tồi tệ hơn so với lúc hiệp hội chưa ra đời.
Tiền hậu bất nhất?
Trong khi các doanh nghiệp viễn thông chưa nhảy vào lĩnh vực truyền hình để mà có thể gây ra “môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài” như công văn của VTV gửi Bộ TT&TT thì nhiều người lại choáng váng khi đơn vị con của VTV là K+ đã có bản quyền giải Ngoại hạng Anh với một mức giá khủng nhất từ trước đến nay là 40 triệu USD. Chuyện lòng vòng bản quyền giải Ngoại hạng Anh giữa VTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền và Canal Plus – đối tác với VTV để K+ có bản quyền giải Ngoại hạng Anh là chuyện buồn cho Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng để cân đối thu chi, giá bán đầu thu và mức phí thuê bao của K+ sẽ phải tăng lên tương ứng để bù đắp số tiền mua bản quyền. Như vậy, người xem hứng chịu mức giá cao do gánh thêm mức giá “khủng” để mua bản quyền. Trước đó, năm 2010, việc K+ tuyên bố độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và bán đầu thu, phí thuê bao cao đã bị người hâm mộ bóng đá Việt Nam tẩy chay.
Nhiều ý kiến cho rằng, những doanh nghiệp viễn thông có đủ sức mạnh về hạ tầng cũng như sức mạnh đàm phán khi tham gia thị trường truyền hình trả tiền sẽ khiến cho thị trường này có thêm đối trọng và có lợi cho người dân sử dụng dịch vụ. Rõ ràng thị trường truyền hình trả tiền cần một cuộc tái thiết mới theo hướng đẩy mạnh cạnh tranh để phổ cập dịch vụ, từ đó người dân có được nội dung tốt, giá phù hợp và chất lượng tốt chứ không thể tiếp tục đi ngược với xu thế thị trường, để rồi lại tiếp nối những câu chuyện buồn như bản quyền giải Ngoại hạng Anh vừa qua.
“Phải khuyến khích DN tận dụng hạ tầng cung cấp đa dịch vụ, kể cả truyền hình cáp”
Theo các quy định của pháp luật, toàn bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả viễn thông, Internet, truyền hình (có dây và không dây)… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Còn việc sản xuất nội dung chương trình, kênh chương trình… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí.
Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT, AVG… khi tham gia vào thị trường truyền hình cáp, nếu chỉ dừng lại ở mức làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ thì vẫn theo phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và là ngành cốt lõi của họ. Họ chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình… giống như các đài VTV, VTC… đang làm. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí thì chỉ có các cơ quan báo chí mới được đầu tư xây dựng kênh chương trình, DN không được cấp phép làm việc này.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, việc Viettel, FPT xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp không phải là đầu tư ngoài ngành. “Trên hạ tầng mạng nếu DN cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt. Cục Viễn thông khuyến khích DN tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó kể cả truyền hình cáp vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình. Cục Viễn thông xem xét thấy khả năng hạ tầng mạng của các doanh nghiệp đó đáp ứng được yêu cầu và theo quy định mới là đầu tư vào dịch vụ gì thì phải cam kết trong mấy năm đầu làm đến đâu, đầu tư bao nhiêu – nếu xác định các DN có đủ điều kiện này thì cho phép cung cấp dịch vụ”, ông Phạm Hồng Hải nói.
Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 33 ra ngày 18/3/2013