Truyền hình trả tiền: Trái đắng độc quyền?

Ngày 11/05/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

VTV với khoảng 3,1 triệu thuê bao (gồm truyền hình cáp VCTV, truyền hình cáp SCTV, K+) đang nắm giữ hơn 70% thị phần thị trường truyền hình trả tiền

Sau hơn 9 năm truyền hình trả tiền phát triển tại Việt Nam, đến nay mới có khoảng hơn 3 triệu thuê bao truyền hình cáp với khoảng chưa đầy 15% hộ gia đình được sử dụng dịch vụ này.

Liên tục tăng giá, người dùng bị thiệt

Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện có tới 40 công ty truyền hình trả tiền. Trên thực tế, thị trường truyền hình trả tiền đang nằm trong tay các nhà cung cấp lớn, đứng đầu là VTV với 3 thương hiệu là VCTV, SCTV, K+; sau đó đến BTS – Hà Nội, HTVC – TP.HCM và VTC. Theo ước tính, Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) hiện đang có khoảng 1,2 triệu thuê bao truyền hình cáp, SCTV (liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) nắm 1,5 triệu thuê bao truyền hình cáp, còn K+ (VTV liên doanh với Canal Plus của Pháp) có trong tay hơn 400.000 thuê bao truyền hình vệ tinh. Như vậy, VTV đã kiểm soát gần 3 triệu thuê bao trên tổng số khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền các loại của Việt Nam. Với con số thuê bao này, VTV đang chiếm hơn 70% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam.

Việc VTV chiếm trên 70% thị trường truyền hình trả tiền cũng không phải là vấn đề quan ngại nếu VTV đem được dịch vụ tốt đến cho nhiều người dân Việt Nam với mức giá rẻ. Thế nhưng, nhìn lại thị trường này mới thấy những “trái đắng” mà người dùng Việt Nam đang phải hứng chịu.

Một trong những hệ quả đầu tiên mà người dùng phải hứng chịu là thuê bao truyền hình cáp liên tục tăng giá trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2009 giá dịch vụ truyền hình cáp là 44.000 đồng/tivi/tháng, sau tăng lên 65.000 đồng; từ 1/5/2011 tăng lên 88.000 đồng và sau hơn 1 năm, đến 1/9/2012 lại tăng tới 110.000 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm rưỡi, VCTV đã tăng giá tới gần 70% (từ 65.000 lên 110.000 đồng) và trong 3 năm qua giá đã tăng gần 3 lần – mức tăng cao hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là thiết yếu với cuộc sống của người dân. Trong khi các truyền hình cáp liên tục tăng giá thì một dịch vụ được xem là người anh em lai ghép của truyền hình cáp là dịch vụ viễn thông lại liên tục giảm giá đến mức bình dân cho hầu hết người dân Việt Nam. Việc tăng giá của Truyền hình cáp Việt Nam được đổ cho rất nhiều nguyên nhân, nhưng điều đáng nói là cách hành xử của doanh nghiệp này mang nặng tính độc quyền. Nếu như các dịch vụ thiết yếu khác như điện, xăng, nước khi tăng được thông báo nguyên nhân tăng giá thì VCTV chỉ đơn giản là gửi 1 bản thông báo sẽ tăng giá từ thời điểm nào đến khách hàng mà không có bất cứ lời giải thích nào cho “thượng đế” của mình.

Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nếu hai doanh nghiệp thì phải có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan. Ba doanh nghiệp thì phải chiếm từ 65% trở lên. Bốn doanh nghiệp thì phải có 75% thị phần trở lên. Đối với doanh nghiệp thuộc diện này thì pháp luật nghiêm cấm thực hiện những hành vi kinh doanh như áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Từ sở cứ này cho thấy truyền hình cáp là đối tượng phải chịu sự quản lý của Luật Cạnh tranh để tránh gây thiệt hại cho khách hàng.

Nhiều người dân chưa được sử dung dịch vụ

Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, tuy có tới 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng thị trường này ở Việt Nam vẫn manh mún, chủ yếu là đơn vị có quy mô nhỏ. Thậm chí có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong phạm vi một vài huyện với vài nghìn thuê bao. Theo nhận định của ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc VTV, truyền hình trả tiền tại Việt Nam tuy “đông vui” nhưng lộn xộn – nơi thừa, nơi vẫn “đói”.

Cùng với việc khách hàng đang phải chịu cảnh truyền hình cáp liên tục tăng giá thì vấn đề chất lượng vẫn là nỗi buồn của nhiều khách hàng. Rất nhiều nơi khách hàng phải trả tiền cho VCTV để nhận lấy dịch vụ chất lượng tù mù lúc nét lúc nhiễu và mất tín hiệu.

Với khoảng 3 triệu thuê bao truyền hình cáp hiện nay thì mới chỉ có khoảng 15% hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này. Như vậy, dù có tới hơn 9 năm phát triển dịch vụ nhưng truyền hình cáp vẫn ở mức độ khiêm tốn cả về thuê bao và vùng phủ.

Các chuyên gia cho rằng, đây là hệ luỵ của sự vừa độc quyền, vừa manh mún.

Đài địa phương “tam bộ nhất bái” để được lên truyền hình cáp VTV

Trong buổi hội thảo về quy hoạch truyền hình mới đây do Bộ TT&TT tổ chức, Giám đốc Đài Truyền hình Đồng Nai, ông Mai Sông Bé “tố” rằng các đài truyền hình địa phương muốn lên được truyền hình cáp thì phải trả tiền!? “Nghịch lý là chúng ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều USD để mua 75 kênh truyền hình của nước ngoài, góp phần quảng bá cho văn hóa nước ngoài, nhưng lại “cản trở” khán giả cả nước được thưởng thức những “đặc sản” văn hóa của mỗi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu các đài địa phương không chi tiền thì đừng mong lên mạng cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình TP.HCM. Trong khi đó, tại Trung Quốc thì có đài truyền hình không phát kênh nước ngoài nào cả. Tôi đã năn nỉ các anh VTV mà chưa lên được… Sắp tới, chúng tôi sẽ “tam bộ nhất bái” để được lên truyền hình cáp VTV”, ông Mai Sông Bé bày tỏ nỗi bức xúc.

Một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hiện tượng độc quyền, tăng giá

Trả lời báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, sự phát triển “nóng” của thị trường truyền hình trả tiền đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, do không được quy hoạch từ đầu nên việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình cáp, còn manh mún, tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu. “Thị trường truyền hình trả tiền mới tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ; chưa tiếp cận được với người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Giá thành và chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát tốt. Số lượng kênh nhiều song chất lượng chưa cao, các chương trình mới và hấp dẫn chưa nhiều. Việc xã hội hóa thiếu chọn lọc, có nơi có lúc xảy ra tình trạng khoán trắng dẫn đến tình trạng chất lượng một số chương trình, kênh chương trình kém, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế rất thấp. Một số doanh nghiệp có hiện tượng độc quyền, tăng giá”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Thái Khang – ictnews – 15/03/2013 09:00:51

Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 32 ra ngày 15/3/2013

024 7303 4068