Vẫn “nóng” chuyện kết nối Internet giữa ISP và CP

Ngày 11/07/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

ICTnews – Dù Bộ TT&TT sẽ quy định giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) với nhau và ISP với doanh nghiệp nội dung (CP) nhưng vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc doanh nghiệp nào phải trả phí và phương thức thanh toán theo dung lượng kết nối hay lưu lượng.

ISP “tố” nhau “chơi xấu”, Bộ TT&TT ra tay “quản” kết nối Internet 

Hình thành 2 trung tâm quyền lực là ISP và CP

Tại Hội thảo kết nối Internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung ngày 10/7, theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), sắp tới Bộ TT&TT sẽ tiến hành quy định giá cước kết nối Internet. Theo đó, đối với kết nối Internet chuyển tiếp (transit), cơ quan quản lý sẽ quy định khung giá cước kết nối theo Mbps chuyển tiếp. (X-Y đồng/Mbps) giữa các đơn vị trên cơ sở báo cáo giá thành mạng, dịch vụ của các đơn vị. Còn đối với kết nối Internet trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), cơ quan quản lý sẽ quy định về giá cước kết nối và phương thức thanh toán trong trường hợp kết nối không ngang bằng và các đơn vị không tự thỏa thuận được với nhau.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra, đối với kết nối giữa các ISP với nhau và giữa ISP với doanh nghiệp nội dung (CP) như VNG, VTC Online… ai sẽ phải thanh toán cho ai cũng như việc thanh toán kết nối qua dung lượng kết nối, dung lượng chênh lệch, tổng dung lượng.

Đối với vấn đề này, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, bên cạnh trung tâm quyền lực là các doanh nghiệp hạ tầng, thời gian qua các doanh nghiệp nội dung từ những doanh nghiệp nhỏ lẻ sau đã hình thành nên các trung tâm quyền lực lớn như Google, Facebook hay ở Việt Nam là VNG… “Hai trung tâm quyền lực này phải tìm đến nhau và bên nào mang lại nhiều giá trị hơn sẽ có quyền lực lớn hơn bên kia”, ông Trung nhấn mạnh.

Tranh cãi về lợi ích giữa doanh nghiệp ISP và CP

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty VDC/VNPT cho rằng, 2 trung tâm quyền lực là ISP và CP, bên nào cũng phải bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng đối với kết nối Internet, người dùng có quyền truy cập các thông tin mà mình cần và doanh nghiệp Internet sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu đó của người sử dụng. Chính vì thế, dù các ISP cung cấp kết nối, đầu tư hạ tầng mà không có các dịch vụ nội dung, dịch vụ trên đó thì kết nối đó là vô nghĩa. “Do đó, đối với các dịch vụ, nội dung cơ bản như báo chí, các doanh nghiệp ISP phải có nghĩa vụ kết nối trực tiếp với nhau để đảm bảo kết nối nhanh nhất cho khách hàng thay vì để các doanh nghiệp nội dung phải kết nối vòng qua quốc tế để đưa dịch vụ cung cấp ở Việt Nam”, ông Hải kết luận.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty VMG cho rằng, chúng ta cần làm rõ vai trò của doanh nghiệp nội dung và doanh nghiệp ISP. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp ISP với hạ tầng của mình sẽ phải thúc đẩy nội dung phát triển thay vì cạnh tranh trực tiếp  hay đưa ra các rào cản cho doanh ngiệp nội dung. “Thực tế cho thấy, do các ISP cung cấp cả hạ tầng và dịch vụ nội dung nên đã cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp chỉ làm nội dung. Các ISP đã bảo vệ quyền lợi của mình và doanh nghiệp nội dung gần như không có quyền để đàm phán với doanh nghiệp hạ tầng, thường xuyên rơi vào tình trạng thụ động”, ông Hà nói.

Ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CMC cho biết, nếu để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau sẽ rất khó và xảy ra xung đột, tranh cãi về giá trị, lợi ích đem lại của các đơn vị. “Bộ TT&TT nên có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thay vì tự vận động theo cơ chế thị trường và cần đảm bảo quy trình, trọng tài phân xử nhanh khi xảy ra sự cố để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, ông Minh cho biết thêm.

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) về vấn đề kết nối Internet, gần đây đã phát sinh một số vấn đề về kết nối Internet giữa các doanh nghiệp như CMC Telecom – Viettel, CMC Telecom – FPT Telecom, Viettel – VDC làm ảnh hưởng  đến chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp và dịch vụ cung cấp cho khách hàng bị ảnh hưởng. ICTnews đã nhiều lần nhận được phản ánh của một số ISP dưới góc độ các doanh nghiệp “chơi xấu” cắt kết nối để gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của nhau. Cho dù tranh chấp về kết nối giữa các doanh nghiệp xảy ra, nhưng khách hàng lại là những người bị ảnh hưởng đầu tiên khi việc truy cập Internet không đảm bảo chất lượng dịch vụ như: tốc độ không như cam kết của nhà mạng hay khó truy cập vào những trang web thông dụng như tin tức, nghe nhạc… 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, trên thế giới, ít nước nào có quy định về Internet nói chung và kết nối Internet nói riêng vì nguyên tắc của quản lý Internet là hoàn toàn để cho thị trường quyết định, trong đó chính phủ các nước chỉ giữ vai trò định hướng. Các tranh chấp kết nối xảy ra giữa bối cảnh dịch vụ nội dung trong nước đang có những bước phát triển mạnh, nhất là những doanh nghiệp vừa làm hạ tầng vừa làm nội dung như FPT, Viettel, VNPT hay xuất hiện những doanh nghiệp nội dung mới. Vì thế, việc phân chia nội dung, hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau cũng như doanh nghiệp viễn thông với doanh nghiệp nội dung bắt đầu nảy sinh vấn đề. Do đó, chúng ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng để tiếp tục thúc đẩy kết nối Internet, bởi vì chỉ có kết nối tốt thì chất lượng mạng Internet mới đảm bảo và giá thành hợp lý. 

TP

http://ictnews.vn

024 7303 4068