Trung tâm nằm không xa nội thành Hà Nội, đi theo hướng cầu vượt vành đai 3, rẽ theo đường cao tốc Pháp Vân, bạn sẽ thấy toàn nhà Viettel IDC – nơi đặt trung tâm dữ liệu Pháp Vân.
Ngoài trung tâm dữ liệu Sóng Thần, đặt tại Bình Dương vừa ra mắt, Viettel còn 3 dự án khác ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Trong đó, hai dự án trung tâm dữ liệu Pháp Vân (Hà Nội) và Hoàng Hoa Thám (HCM) đã được đưa vào khai thác hiệu quả trong thời gian dài. Viettel cho biết, trung tâm dữ liệu tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội cũng sẽ được gấp rút hoàn thiện trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh và thông tin về dự án tại Pháp Vân của Viettel – một trong những trung tâm dữ liệu tiêu biểu, đạt chuẩn cao nhất ở Việt Nam, cung cấp dịch vụ lưu trữ cho nhiều công ty internet lớn trong và ngoài nước.
Trung tâm nằm không xa nội thành Hà Nội, đi theo hướng cầu vượt vành đai 3, rẽ theo đường cao tốc Pháp Vân, bạn sẽ thấy toàn nhà Viettel IDC – nơi đặt trung tâm dữ liệu Pháp Vân. Đi vào hoạt động từ năm 2008 với diện tích phòng máy bằng 1/8 lần trung tâm Sóng Thần, trung tâm Pháp Vân là một trong những dự án đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế cao Tier 3. Theo tính toán, chi phí để xây dựng một trung tâm dữ liệu thông thường từ 5.400USD/m2 – 13.000 USD/m2 và phải mất 9 đến 18 tháng.
Hệ thống điện
Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Tier 3 nên hệ thống điện tại trung tâm Pháp Vân phải đảm bảo khả năng cung cấp độc lập và có dự phòng.
Đặt tại tầng 1 của trung tâm là khu vực phòng nguồn nối với điện lưới quốc gia và hệ thống máy nổ. Tại đây, điện năng được truyền đi các phòng máy ở tầng trên. Để đảm bảo an toàn tối đa cho phòng nguồn, Viettel áp dụng nhiều biện pháp cảnh báo sớm về độ ẩm, hỏa hoạn…
Tiếp theo là cụm thiết bị với nhiệm vụ truyền dòng điện từ phòng nguồn tại tầng 1 lên các phòng máy. Đây là hệ thống có tính đặc chủng, vốn chỉ sử dụng trong các nhà máy điện và có khả năng truyền tải dòng điện lên tới 1600mAh với mức hao hụt thấp nhất.
Tại phía ngoài trung tâm, hai máy nổ luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động (1 chính, 1 dự phòng). Các máy nổ chạy dầu – chứa trong bể dầu riêng. Theo tiêu chuẩn Tier 3 thì lượng dầu trong bể phải đảm bảo cho máy nổ chạy hết công suất trong 3 ngày liên tiếp. Hỗ trợ cho hệ thống còn có các thiết bị lưu trữ, chuyển mạch, làm giảm thời gian thay đổi giữa điện lưới và điện từ máy nổ (trong trường hợp mất điện lưới) xuống mức mili giây.
Hệ thống an ninh
Không chỉ trung tâm Pháp Vân, tất cả các trung tâm dữ liệu của Viettel đều trang bị hệ thống camera giám sát cả trong vào ngoài. Các camera này nối với phòng điều hành và được theo dõi bởi các nhân viên an ninh 24/24. Ngoài ra, nhân viên cao cấp cũng có thể truy cập từ xa bằng internet để theo dõi hình ảnh qua camera.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát vào ra của trung tâm Pháp Vân dùng thẻ RFID và vân tay (dành cho phòng máy) phân quyền và kiểm soát ra vào với nhân viên và khách hàng đến phòng máy.
Mỗi khách hàng đến trung tâm dữ liệu đều được phát thẻ từ và quản lý bằng phần mềm kiểm soát cho phép vào ra ở khu vực nhất định theo thời gian. Riêng phòng máy được trang bị đầu đọc thẻ kết hợp vân tay, gắn với khóa từ lực giữ 250 Kg.
Hệ thống tủ Rack trong phòng máy
Trung tâm Pháp Vân được trang bị sẵn 208 Rack tiêu chuẩn cao. Mỗi tủ rack được trang bị thiết bị cấp điện, hệ thống cáp đồng và cáp quang cung cấp đến tủ cũng theo nguyên tắc dự phòng N+1. Nhiệt độ và độ ẩm luôn được giám sát tại từng rack để đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn cho hoạt động của thiết bị.
Hệ thống làm mát
Trong các trung tâm dữ liệu, đây là hệ thống quan trọng, tiêu tốn điện năng rất lớn (trung bình khoảng 45% tổng điện năng toàn trung tâm). Trung tâm Pháp Vân là nơi đầu tiên đưa vào sử dụng giải pháp điều hòa dùng nước ở Việt Nam. Hệ thống này giúp đảm bảo nhiệt độ phòng máy luôn ổn định ở 22- 25 độ, độ ẩm trong giới hạn 40-55%.
Ở tầng trên cùng, có 2 tháp tản nhiệt được đặt theo quy tắc 1 chính, 1 dự phòng, nước nóng sau khi dẫn qua đây sẽ được xử lý để giảm nhiệt nhanh chóng. Nhìn chung, giải pháp tản nhiệt nước mà trung tâm Pháp Vân xử dụng được đánh giá rất hiệu quả ở cả hiệu năng và chi phí vận hành.
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy
Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho trung tâm dữ liệu. Khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, hệ thống chữa cháy chuyên nghiệp FM200 sẽ phun ra chất khí chữa cháy sạch có tên FM200, chất này không những có tác dụng chữa cháy hiệu quả, mà nó còn cân bằng được lượng khí O2 cần thiết để con người hô hấp tạm thời trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, với chất khí chữa cháy sạch này, sau khi hoàn tất nhiệm vụ chữa cháy, nó không để lại hậu quả tai hại nào với vật dụng, máy móc trong khu vực được chữa cháy.
Bên cạnh đó, ở nhiều vị trí trong trung tâm, các thiết bị cảnh báo khói độ nhạy cao được bố trí. Tùy theo nồng đồ khói đo được, thiết bị sẽ giúp nhân viên điều hành đưa ra quyết định xử lý thủ công hay kích hoạt FM200.
Trung tâm điều hành
Tất cả các hệ thống trên được điều khiển và kiểm soát bởi trung tâm điều hành. Taị đây, luôn có ít nhất ba nhân viên trực và thay đổi theo ca để đảm bảo 24/24 giờ đều có người giám sát.
Khi phát hiện có các sự cố kỹ thuật cơ bản, nhân viên có thể trực tiếp quản lý, khi có sự cố sâu hơn, nhân viên trực có trách nhiệm báo cho cấp trên hoặc bộ phận kỹ thuật liên quan để xử lý. Trong mọi trường hợp, an toàn dữ liệu trong phòng máy luôn được đặt lên hàng đầu.
Tham khảo: Viettel