Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho rằng, việc ra đời của một đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như Viettel chắc chắn gây ra mâu thuẫn giữa những đơn vị đang tham gia thị trường truyền hình trả tiền. (Ảnh minh họa)
Mới đây, lại một lần nữa lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ quyết ngăn chặn Viettel tham gia vào lĩnh vực truyền hình cáp.
Lãnh đạo Hiệp hội lại có văn bản gây sốc!
Nội dung văn bản của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam không có gì mới so với nội dung mà họ đã gửi trước đó. Chỉ có điều lần này Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đưa duy nhất Viettel vào danh sách phải “ngăn sông cấm chợ” không cho cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Sở cứ để đòi “cấm cửa” Viettel được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đưa ra là thị trường truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước và các đơn vị trong ngành truyền hình đang bắt đầu thực hiện lộ trình số hóa đến năm 2020 theo Quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, việc tập đoàn viễn thông Viettel xin đầu tư để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu.
Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền, từ khi biết thông tin về việc các tập đoàn viễn thông Nhà nước đầu tư sang truyền hình, Hiệp hội đã thay mặt cho các đơn vị làm truyền hình trả tiền nhiều lần có ý kiến với Bộ TT&TT cũng như các cơ quan liên quan nêu rõ việc không phù hợp quy hoạch và mục tiêu phát triển, tính bất cập về thị trường, về công nghệ, sự lãng phí đầu tư để Bộ TT&TT cân nhắc, tính toán. Hiệp hội không nêu vấn đề từ góc nhìn thiết lập hạ tầng mạng mà chỉ nhất quán đề cập đến việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng nếu Bộ TT&TT vẫn tiếp tục cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho tập đoàn viễn thông Viettel như đã nêu trên thì đây sẽ là quyết định sai bởi các yếu tố như việc cấp phép cho Viettel không đúng Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Lãnh đạo Hiệp hội viện dẫn: Hiện nay, tổng số đơn vị truyền hình trả tiền đang có trên thị trường là 67 đơn vị (55 đơn vị truyền hình cáp, 2 đơn vị truyền hình số mặt đất, 3 đơn vị truyền hình vệ tinh, 3 đơn vị truyền hình Internet, 4 đơn vị truyền hình cáp số). Bản thân Viettel cũng đang vận hành đơn vị cung cấp truyền hình Internet là NetTV thì tại sao Viettel lại không tập trung vào dịch vụ truyền hình Internet để phát triển lên mà dứt khoát phải bỏ ra chi phí nhiều ngàn tỷ đồng để đầu tư mới sang hạ tầng truyền hình cáp?
Một lý do khác mà lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra là việc ra đời của một đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như Viettel chắc chắn sẽ gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa những đơn vị đang tham gia thị trường truyền hình trả tiền, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng mà các đơn vị này đã đầu tư và tạo ra nhiều vấn đề phức tạp mà các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải xử lý trong thời gian tới.
Lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền còn cho rằng hiệp hội này đang đại diện cho lợi ích của hàng chục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Bản thân Viettel với dịch vụ truyền hình Internet NetTV hiện hành cũng đã đề nghị được tham gia Hiệp hội với tư cách thành viên đầy đủ. Như vậy, có thể khẳng định rằng thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hiện nay có rất nhiều pháp nhân đang tham gia cung cấp dịch vụ và cạnh tranh bình đẳng, không thể có chuyện “độc quyền” như một số bài báo vừa qua quy kết được.
Lý lẽ của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đưa ra đã làm nhiều người bị sốc và được giới truyền thông nhận định “đây là lý lẽ của ông độc quyền”. Một câu hỏi được đặt ra: Trong khi có nhiều doanh nghiệp viễn thông như FPT, AVG, VNPT muốn gia nhập thị trường truyền hình cáp thì tại sao lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền chỉ quyết chí “ngăn sông cấm chợ” riêng Viettel?
Bác lý lẽ của lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đã tỏ ra ngạc nhiên trước lý lẽ mà lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra. Ông Mai Liêm Trực cho rằng, tuy thị trường này có nhiều doanh nghiệp, nhưng VTV lại chiếm tới hơn 70% thị phần thì đương nhiên thị trường này là có độc quyền theo Luật Cạnh tranh. Sau 9 năm phát triển, thị trường này mới có khoảng 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Như vậy, còn một số lượng rất lớn người dân Việt Nam chưa được sử dụng dịch vụ. Ông Mai Liêm Trực cũng ngạc nhiên khi lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền lý luận rằng các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành. “Bản chất việc các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của các doanh nghiệp này. Tôi tin rằng khi các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua”, ông Mai Liêm Trực nói.
Ông Mai Liêm Trực còn cho rằng phản ứng của một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền hiện nay cũng là điều dễ hiểu bởi bản thân Tổng cục Bưu điện lúc cho phép mở cửa thị trường viễn thông cũng đã có những phản ứng tương tự. Vì vậy, Bộ TT&TT cần đứng trên quyền lợi của người dân, đất nước để vững tay sớm cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này.
Trước đó, đã có khá nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng về tình trạng độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Theo ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc VTV, truyền hình trả tiền tại Việt Nam tuy “đông vui” nhưng lộn xộn – nơi thừa, nơi vẫn “đói”. Còn bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phát biểu trên truyền thông rằng, một khi sản phẩm hay dịch vụ nào đó rơi vào tình trạng độc quyền trên thị trường, thì người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt đầu tiên. Ở Việt Nam, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù, các sản phẩm khác khó mà được phép độc quyền, bởi mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia vào thị trường. Quản lý nhà nước cũng không để cho doanh nghiệp nào độc quyền. “Tôi cũng thấy lạ là tại sao trong lĩnh vực này (truyền hình trả tiền – PV), các doanh nghiệp lại có thể độc quyền. Điều đó cũng cho thấy độ vênh khá rõ giữa các đơn vị của nhà nước và tư nhân (các kênh truyền hình trả tiền của VTV và các kênh có sự tham gia của tư nhân khác như AVG… – PV)”, bà Lan nói.
Phát biểu trên truyền thông gần đây, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG cho biết, không phải hiệp hội ra đời thì đương nhiên mọi việc đều tốt đẹp. Ông cho rằng nếu hiệp hội hoạt động kém hiệu quả, trong trường hợp nguy hiểm nhất là bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì tình hình có khi còn tồi tệ hơn so với lúc hiệp hội chưa ra đời.
Sẽ cấp phép cho doanh nghiệp có đủ điều kiện
Mới đây, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề mà Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra. Theo đó, Bộ TT&TT khẳng định, Bộ TT&TT đã thực hiện theo đúng Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020. Thế nhưng, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã có sự hiểu sai và trích dẫn không đầy đủ nội dung quy định tại Quyết định 22 và Quyết định 2451 của Thủ tướng. Theo đó, việc chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2015 và chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chỉ áp dụng với phương thức phát thanh, truyền hình tương tự mặt đất, không áp dụng đối với truyền hình cáp tương tự. Quyết định 22 chỉ quy định “ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự trước năm 2020 để chuyển sang truyền hình cáp số”.
Văn bản của Bộ TT&TT cũng khẳng định không có chuyện thị trường này đang bão hòa. Hiện tỷ lệ hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này rất thấp, mới đạt tỉ lệ 20% hộ dân, chủ yếu ở vùng thành thị, 80% còn lại tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa sử dụng dịch vụ này. Bộ TT&TT cho rằng, việc triển khai công nghệ truyền hình cáp số cần phải có lộ trình. Nếu quy định các doanh nghiệp phải triển khai áp dụng công nghệ cáp số ngay thì sẽ tiếp tục ngăn cản người dân tiếp cận dịch vụ truyền hình trả tiền do truyền hình cáp số đòi hỏi mỗi tivi phải đi kèm một đầu thu với giá khoảng 1,5 triệu đồng để thu tín hiệu truyền hình. Nếu mỗi hộ có 3 tivi thì con số này sẽ là 4,5 triệu đồng/hộ chỉ để mua đầu thu giải mã tín hiệu. Như vậy, với 80% số hộ dân còn lại, trong đó có nhiều hộ vùng sâu, vùng xa, sẽ khó có thể tiếp cận với dịch vụ này do chi phí cao.
Bộ TT&TT khẳng định sẽ ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp có cam kết đầu tư để cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, dịch vụ truyền hình số hoặc có cam kết lộ trình rõ ràng và khả thi về việc chuyển đổi hoàn toàn sang dịch vụ truyền hình số theo quy định của Nhà nước khi kết hợp sử dụng cả công nghệ số và tương tự. Không cấp phép truyền hình cáp tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong Đề án số hóa truyền hình mặt đất đã được Chính phủ phê duyệt.
Bộ TT&TT cũng đưa ra quan điểm, phát triển hài hòa, hợp lý các loại hình dịch vụ phát thanh truyền hình, nhưng theo nguyên tắc trung lập về công nghệ.
Thái Khang-25/03/2013 09:00:54-http://ictnews.vn
Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 36 ra ngày 25/3/2013