Big Data – Tương lai của Cloud Computing

Ngày 22/02/2013 đăng bởi seo3.VS Trading@gmail.com

Điện toán đám mây (Cloud Computing) trong tương lai sẽ được ứng dụng để quản lý và xử lý các nguồn dữ liệu lớn (Big Data), đây sẽ là xu thế mới đồng thời cũng là giải pháp cho các doanh nghiệp. Mỗi ngày có khoảng 2.5 exabyte (2.5 tỉ tỉ byte) dữ liệu được tạo ra, và con số này hoàn toàn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Big Data dùng để chỉ các lượng thông tin cực lớn đó, chúng quá lớn đến nỗi các công ty không thể tự mình lưu trữ, kiểm soát hay phân tích, mà cần nhờ đến công nghệ điện toán đám mây.

Tương lai là Big Data

Hoạt động thường ngày tạo ra rất nhiều dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu dạng số trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Với các mạng xã hội, hàng ngày có rất nhiều hình ảnh được upload, các status được chia sẻ, các bình luận… Hay như dịch vụ chia sẻ video trực tuyến YouTube, mỗi ngày có rất nhiều lượt xem video, hàng giờ video được upload… Tất cả những hành động mà con người thực hiện trên mạng internet đều tạo thành dữ liệu, và theo dự đoán đến năm 2020, lượng dữ liệu trên toàn cầu sẽ đạt mốc 35 nghìn tỉ gigabyte – một con số khổng lồ.

Ngoài lượng dữ liệu cực lớn tạo ra hàng ngày, số lượng các thiết bị thông minh kết nối đến mạng internet cũng là một vấn đề. Các thiết bị thông minh như smartphone, laptop, tablet… đang dần chiếm lĩnh thị trường và trở nên khá phổ biến. Với các thiết bị này, con người sẽ dễ dàng truy cập và tìm kiếm thông tin cần thiết trên mạng, đòi hỏi nguồn dữ liệu phải luôn được cung cấp liên tục và nhanh chóng. Theo dự báo, đến năm 2015, toàn thế giới sẽ có khoảng 15 tỉ thiết bị thông minh kết nối với mạng internet. Đã có hơn 156 triệu người dân trong khu vực ASEAN kết nối với mạng internet, con số này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lên gấp 3 lần trong vài năm nữa. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện có khoảng 300 triệu dân cư chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật số, và trong năm 2013, số dân cư này sẽ bắt đầu tìm cách kết nối với thế giới.

Ảnh hưởng của Cloud Computing

Phần cứng là nguồn tài nguyên mà người dùng có thể thay thế khi cần thiết. Phần cứng có thể được nâng cấp, sử dụng khi cần, và nếu đã trở nên lỗi thời, người dùng có thể vứt bỏ để tìm đến các phần cứng cao cấp hơn, đáp ứng được nhu cầu. Phần cứng của thiết bị cá nhân chỉ để xử lý các công việc mang tính chất “offline”, phần việc “online” cần nhờ đến các đám mây điện toán. Với các nhà cung cấp đám mây quản lý khối lượng công việc ảo hóa cho từng ứng dụng kinh doanh, tốc độ sẽ là bài toán cạnh tranh và tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn làm việc gì đó với tốc độ càng nhanh thì bạn sẽ càng phản ứng nhanh hơn với các thay đổi xảy ra.

Đám mây điện toán cũng mang đến các cơ hội làm việc với các hệ thống cũ của các bộ phận CNTT chậm chạp trong quá trình thay đổi và không thể xử lý dữ liệu lớn. Các phần mềm, nền tảng cũng như cơ sở hạ tầng có sẵn của đám mây sẽ mang đến cơ hội cho các công ty, đơn vị kinh doanh. Họ có thể hoàn toàn tập trung vào những thứ họ làm tốt nhất, và nhận tất cả các thứ còn lại từ đám mây điện toán. Cloud computing cung cấp cho người dùng sự tiêu chuẩn hóa, không hạn chế và các nền tảng tương thích. Khi các doanh nghiệp bắt đầu dựa trên đám mây cho các hoạt động kinh doanh chung, nhu cầu sử dụng không hạn chế, mang dữ liệu vào và ra khỏi đám mây sẽ trở thành trọng tâm trong năm 2013.

Intel Cloud 2015 Vision

Để chuẩn bị cho các chuyển dịch mới trong ngành công nghiệp thông tin, Intel đưa ra tầm nhìn của mình về điện toán đám mây – Cloud 2015 Vision – với 3 đặc điểm chính: federated, automated và client-aware.

  • Federated: các thông tin liên lạc, dữ liệu và các dịch vụ có thể di chuyển dễ dàng thông qua cơ sở hạ tầng của điện toán đám mây. Để thực sự hoàn thành một hệ thống mang tính federated, khả năng tương tác mượt mà qua nhiều nền tảng và giải pháp phải là một thực tế.
  • Automated: dịch vụ điện toán đám mây và các nguồn tài nguyên có thể được chỉ định, định vị trí và cung cấp một cách an toàn mà không cần hoặc cần rất ít sự tương tác của con người.
  • Client-aware: các ứng dụng dựa trên nền đám mây có thể tự động cảm nhận và tận dụng lợi thế của các thiết bị đầu cuối nhằm tối ưu hóa phân phối ứng dụng một cách an toàn, đồng thời cũng nâng cao trải nghiệm của người dùng

Việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nhận thấy được đầy đủ tiềm năng của điện toán đám mây hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Nó đòi hỏi phải phát triển hợp tác và tập trung cụ thể bởi nhiều nhà cung cấp và khách hàng trong bức tranh toàn cảnh CNTT hiện nay. Ba đặc điểm quan trọng mà các cá nhân, tổ chức và ngành công nghiệp CNTT cần tập trung vào là hiệu quả, sự đơn giản và an ninh dữ liệu.

Theo VOZ

024 7303 4068