1. Tên miền là gì?
Tên miền (Domain Name) là sự nhận dạng vị trí của một máy tính trên mạng Internet thông qua tên tương ứng với địa chỉ IP của máy tính đó. Việc nhận dạng này được thực hiện thông qua hệ thống tên miền (Domain Name System – DNS).
2. Hệ thống tên miền và nhiệm vụ của hệ thống tên miền là gì?
Hệ thống tên miền bao gồm một loạt các cơ sở dữ liệu chứa các tên miền và các địa chỉ IP (bằng số cụ thể) tương ứng với các tên miền đó. Hệ thống tên miền trên mạng Internet có nhiệm vụ chuyển đổi tên miền sang địa chỉ IP và ngược lại từ địa chỉ IP sang tên miền.
3. Hệ thống tên miền có cơ sở dữ liệu tập trung hay phân bố?
Trong những ngày đầu tiên của mạng Internet, hệ thống tên miền có cơ sở dữ liệu tập trung: tất cả các tên máy và địa chỉ IP tương ứng của chúng được lưu giữ trong một file hosts.txt, file này được trung tâm thông tin mạng NIC ( Network Information Center ) ở Mỹ lưu giữ. Tuy nhiên, khi hệ thống Internet phát triển, việc lưu giữ thông tin trong một file không thể đáp ứng nhu cầu phân phối và cập nhật. Do đó, ngày nay, hệ thống tên miền được phát triển dưới dạng các cơ sở dữ liệu phân bố, mỗi cơ sở dữ liệu sẽ quản lý một phần trong hệ thống tên miền.
4. Cấu trúc của hệ thống tên miền?
Hiện nay, trên thế giới hệ thống tên miền được phân bố theo cấu trúc hình cây. Tên miền cấp cao nhất là tên miền gốc (ROOT) được thể hiện bằng dấu ‘.’. Dưới tên miền gốc có hai loại tên miền là: tên miền cấp cao dùng chung- gTLDs (generic Top Level Domains) như .com, .org, .net,… (tham khảo danh sách tại địa chỉ http://icann.org/registries/listing.html); và tên miền cấp cao mã quốc gia – ccTLDs (country code Top Level Domains) như .vn, .jp, .kr,.… (tham khảo danh sách tại địa chỉ http://www.iana.org/domains/root/db ).
5. Hệ thống tên miền trên thế giới được tổ chức nào quản lý?
Tổ chức quản lý hệ thống tên miền trên thế giới là ICANN (the Internet Corporation for Assigned Names and Numbers). Tổ chức này quản lý mức cao nhất của hệ thống tên miền (mức ROOT), do đó nó có quyền cấp phát các tên miền dưới mức cao nhất.
6. Chức năng của máy chủ tên miền (Domain Name Server)?
Chứa cơ sở dữ liệu dùng cho việc chuyển đổi giữa tên miền và địa chỉ IP.
7. Hiện tại trên mạng Internet có bao nhiêu hệ thống máy chủ tên miền ở mức ROOT?
Hiện tại trên mạng Internet có 13 hệ thống máy chủ tên miền ở mức ROOT. Danh sách tham khảo tại: http://www.root-servers.org/
8. Giải thích hoạt động của hệ thống DNS khi người sử dụng muốn truy cập vào trang web có địa chỉ www.vnn.vn
Trước hết chương trình trên máy người sử dụng gửi yêu cầu tìm kiếm địa chỉ IP ứng với tên miền www.vnn.vn tới máy chủ quản lý tên miền cục bộ thuộc mạng của nó.
Máy chủ tên miền cục bộ này kiểm tra trong cơ sở dữ liệu của nó có chứa cơ sở dữ liệu chuyển đổi từ tên miền (mà người sử dụng yêu cầu) sang địa chỉ IP hay không. Trong trường hợp máy chủ tên miền cục bộ có cơ sở dữ liệu này, nó sẽ gửi trả lại địa chỉ IP của máy có tên miền nói trên.
Trong trường hợp máy chủ tên miền cục bộ không có cơ sở dữ liệu về tên miền này nó sẽ hỏi lên các máy chủ tên miền ở mức cao nhất (máy chủ tên miền làm việc ở mức ROOT). Máy chủ tên miền ở mức ROOT này sẽ chỉ cho máy chủ tên miền cục bộ địa chỉ của máy chủ tên miền quản lý các tên miền có đuôi .vn.
Máy chủ tên miền cục bộ gửi yêu cầu đến máy chủ quản lý tên miền có đuôi (.vn) tìm tên miền www.vnn.vn. Máy chủ tên miền quản lý các tên miền.vn sẽ gửi lại địa chỉ của máy chủ quản lý tên miền vnn.vn.
Máy chủ tên miền cục bộ sẽ hỏi máy chủ quản lý tên miền vnn.vn này địa chỉ IP của tên miền www.vnn.vn. Do máy chủ quản lý tên miền vnn.vn có cơ sở dữ liệu về tên miền www.vnn.vn nên địa chỉ IP của tên miền này sẽ được gửi trả lại cho máy chủ tên miền cục bộ.
Máy chủ tên miền cục bộ chuyển thông tin tìm được đến máy của người sử dụng.
Người sử dụng dùng địa chỉ IP này để kết nối đến server chứa trang web có địa chỉ www.vnn.vn
9. Hệ thống DNS quốc gia có nhiệm vụ gì? do cơ quan, tổ chức nào quản lý?
Hệ thống DNS quốc gia có nhiệm vụ tiếp nhận và trả lời các truy vấn tên miền .VN. Hệ thống DNS quốc gia do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) quản lý.
10. Hiện tại hệ thống tên miền quốc gia Việt Nam có bao nhiêu cụm máy chủ?
Hiện tại hệ thống tên miền quốc gia Việt Nam gồm 07 cụm máy chủ, trong đó 05 cụm máy chủ đặt trong nước (02 cụm tại thành phố Hồ Chí Minh; 02 cụm tại Hà Nội; 01 cụm đặt tại Đà Nẵng); và 02 cụm máy chủ đặt ở nước ngoài tại nhiều điểm trên thế giới.
11. Mô hình quản lý không gian tên miền .vn?
Không gian tên miền .VN được quản lý theo cơ chế phân cấp và chuyển giao. Các tên miền cấp 2 và cấp 3 thuộc hệ thống tên miền .VN sẽ được lưu giữ trên hệ thống tên miền quốc gia. Các tên miền cấp 3 và cấp 4 sẽ được lưu giữ tại các hệ thống máy chủ được chuyển giao, phần lớn các máy chủ được chuyển giao này là các máy chủ của các ISP, IXP trong nước. Như vậy hầu hết các tên miền quốc gia của Việt nam do các máy chủ tên miền trong nước quản lý.
12. Hệ thống máy chủ tên miền đệm (Caching DNS) là gì?
Hệ thống máy chủ tên miền đệm (Caching DNS) có nhiệm vụ nhận yêu cầu, tìm kiếm và trả lời các truy vấn tên miền từ các máy chủ đệ quy (recursive DNS) của các ISP. Đối với các tên miền .VN, máy chủ DNS Recursive Caching thực hiện truy vấn tên miền theo chuẩn caching forwarder. Ngoài ra hệ thống này còn thực hiện tìm kiếm và trả lời đối với tất cả các tên miền quốc tế khác được forward từ các máy chủ DNS củs các ISP.
13. Đối tượng nào được sử dụng hệ thống máy chủ tên miền đệm (Caching DNS) của Việt Nam?
Hiện tại Trung tâm Internet Việt Nam hỗ trợ tất cả các ISP, các thành viên địa chỉ được đăng ký sử dụng hệ thống máy chủ tên miền đệm (Caching DNS) của Việt Nam.