Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng và quản lý hostting một cách đơn giản và hiệu quả bằng công cụ cpanel
Cpanel là một trong những phần mềm quản trị hosting hiện đại, chuyên nghiệp và đem lại hiệu quả nhất ngày nay mà các công ty hosting hay các nhà cung cấp dịch vụ thường sử dụng để khách hàng có thể thỏa mãn được yêu cầu sử dụng hosting của mình.
Ưu điểm lớn nhất của Cpanel chính là ở việc cài đặt, sử dụng và quản lý hầu như khá đơn giản, được tự động hóa khá nhiều các tác vụ. Tại trang quản lý dành cho khách hàng, Cpanel cũng tỏ ra vượt trội so với các phần mềm quản lý hosting khác như DirectAdmin hay VistaPanel.
Đăng nhập
Màn hình đăng nhập Cpanel
Để đăng nhập vào Cpanel, bạn cần sử dụng một trong các liên kết dạng như sau:
1, IP của server được cung cấp, cổng 2082. VD: 67.23.14.15:2082
2, Domain đã trỏ tới tài khoản host, cổng 2082. VD: yeuhost.info:2082 (bất kì domain nào trỏ về server đều có thể đăng nhập cổng 2082)
3, Folder /cpanel của domain. VD: yeuhost.info/cpanel (trong trường hợp không có sự trùng lặp về thư mục)
Nếu server có yêu cầu SSL (mã hóa), bạn sẽ có thể phải đăng nhập dưới cổng 2083. Khi đó, các cách đăng nhập có chút sự thay đổi: thay vì http:// thì bạn cần gõ https://, và cổng 2082 đổi thành 2083
Giao diện quản lý
Từ phiên bản v9.0 tới phiên bản hiện nay (v11.x), Cpanel đã từng có các phiên bản x, x2 và x3. Phiên bản x3 có thể đi kèm với RVSkin (một dạng như addon bổ sung, cung cấp thêm các giao diện theo các chủ đề cho Cpanel). Tuy nhiên, dù là phiên bản nào, hầu như các icon tại màn hình quản lý không có sự thay đổi khác mấy.
Các phân mục quản lý
Do việc sử dụng Cpanel cần nhiều thời gian và sự học hỏi nhất định,VS Trading chỉ giới thiệu những tính năng cơ bản theo nhóm nhằm giúp các bạn có khái niệm quản lý và tổng quan về Cpanel. Các bài viết chi tiết giới thiệu từng tính năng,VS Trading sẽ cập nhật vào lần khác.
1. Preferences
Quản lý “Preferences”
Tại đây, bạn có thay đổi mật khẩu, thay đổi email (để nhận các thông báo về việc quá tải dung lượng, băng thông hay lỗi trong quá trình cron job chẳng hạn), thay đổi giao diện của Cpanel, thay đổi ngôn ngữ (rất tiếc, chưa có tiếng Việt) và lưu địa chỉ truy cập Cpanel qua bookmark hay shortcut tại Desktop.
2. Mail
Quản lý “Mail”
Với các tính năng quản lý email, nó sẽ thích hợp hơn nếu bạn trỏ full DNS dạng ns1.domain.com, ns2.domain.com về hơn là DNS trung gian (cần tạo MX Record trỏ về server).
Tại đây, bạn có thể tạo tài khoản email, truy cập Webmail, tắt bật bộ lọc Spam (SpamAssassin), Forward email (tạo một bản sao email tới địa chi email chỉ định), tạo thư trả lời tự động, tạo địa chỉ mặc định cho các domain (tương tự tính năng Catch-All giúp nhận các thư gửi sai địa chỉ), tạo danh sách gửi email hợp lệ, kiểm tra đường đi của thư (Email Delivery Route), nhập danh sách địa chỉ email hay tích hợp vào các software webmail của riêng bạn.
3. Files
Quản lý file tại Cpanel
Đây là một trong những tính năng mà bạn sẽ phải sử dụng, trước hết bởi nó liên quan tới việc quản lý file trên tài khoản hosting của bạn. Tại đây bạn có thể backup dữ liệu (lưu ý của YêuHost là bạn chỉ nên backup database tại mục này), quản lý file (sự khác biệt của File Manager và Legacy File Manager ở chỗ: Legacy File Manager giúp bạn có quyền truy cập cao hơn và có thể xóa được những file mà File Manager không thể xóa), biến hosting của bạn thành một phần ổ cứng dữ liệu, kiểm tra dung lượng đã sử dụng (Disk Space Usage), tạo và quản lý các tài khoản truy cập FTP.
4. Logs
Quản lý “Logs”
Tại đây, bạn có thể kiểm tra thông số về băng thông, lưu lượng truy cập, các lỗi mới nhất khi khách truy cập (Error Logs), thống kê truy cập cho thời gian theo tuần, tháng hay năm.
5. Security
Tính năng “Security”
Với tính năng này, bạn có thể gia cố thêm bảo mật cho website của mình thông qua tạo mật khẩu truy cập cho các thư mục, chặn IP, quản lý và cài đặt SSL (mã hóa dữ liệu), quyền truy cập SSH (không phải hosting nào cũng hỗ trợ), chống ăn cắp dữ liệu thông qua chặn các yêu cầu từ các site khác.
6. Domains
Quản lý domain trong Cpanel
Với tính năng này, bạn có thể tạo subdomain dạng xyz.domain.com, gắn domain bổ sung cho host dưới dạng trỏ vào thư mục (addon domain) hay tại ngay thư mục gốc public_html (parked domain – nhiều domain cùng trỏ về 1 thư mục public_html), tạo các liên kết chuyển tiếp (Redirects), quản lý DNS dưới dạng cơ bản (Simple DNS Zone Editor) và dạng đầy đủ (Advanced DNS Zone Editor).
7. Databases
Quản lý Database
Đây cũng là một trong tính năng quan trọng, bởi nhiều script ngày nay đều chạy trên nền PHP và MySQL. Tại đây, bạn có thể tạo tài khoản MySQL database, tạo database và gắn chúng với nhau, quản lý các table của dữ liệu tại phpmyadmin hay xét quyền truy cập mysql từ xa (tại các server khác).
Các bước lưu ý khi bạn muốn cài đặt một script sử dụng database:
1, Tạo Database (Create New Database)
2, Tạo tài khoản MySQL (Add New User)
3, Gắn quyền truy cập (Add User To Database), thông thường chọn “All”
8. Software/Services
Quản lý các ứng dụng
Về cơ bản, tại đây, bạn có thể tạo các mã script nhỏ sử dụng cgi-bin, cài đặt các mã nguồn thông qua trình cài đặt sẵn (tự động cài đặt, bạn chỉ việc truy cập và sử dụng luôn), xem cấu hình Perl, xem cấu hình php. Nhìn chung thì điều này chỉ cần thiết khi bạn gặp trục trặc và cần kiểm tra chúng.
9. Advanced
Tại đây, bạn có thể có một số tùy chỉnh như tạo các trang thông báo lỗi 404, 503,…; chạy Cron Jobs (các tác vụ tự động được lập trình theo thời gian cố định), kiểm tra mạng (Network Tools),…
Hi vọng là, với một bài viết giới thiệu sơ lược về Cpanel, các bạn có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng phần mềm quản trị hosting này hơn.
Nguồn: Internet