Đảm bảo độ sẵn sàng cao và khả năng hoạt động liên tục của Trung tâm dữ liệu
Đối với một doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm, tính liên tục trong kinh doanh là một trong những yêu cầu tối quan trọng. Khi mà các hoạt động của doanh nghiệp dựa trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin nói chung và dựa trên Trung tâm dữ liệu tập trung nói riêng thì yêu cầu về độ sẵn sàng và khả năng hoạt động liên tục của Trung tâm dữ liệu được đặt lên hàng đầu.
Đây không chỉ là yêu cầu về kinh doanh của bản thân doanh nghiệp mà còn là một trong những quy định bắt buộc mang tính pháp lý. Chính vì vậy, bên cạnh Trung tâm dữ liệu hoạt động chính, các doanh nghiệp nói chung và hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm nói riêng đều xây dựng các Trung tâm dữ liệu dự phòng, đảm bảo khả năng hoạt động thay thế cho Trung tâm dữ liệu chính gặp sự cố, và như vậy đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh.
Việc xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng tùy thuộc vào yêu cầu đặc thù và mức độ dự phòng của từng doanh nghiệp, từ việc sao lưu dữ liệu bằng hệ thống băng từ đến việc xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng với cơ chế sao lưu đồng bộ với Trung tâm dữ liệu chính, đảm bảo dữ liệu được đồng bộ một cách tức thời giữa hai Trung tâm dữ liệu với nhau.
Kiến trúc Trung tâm dữ liệu của Cisco hỗ trợ các doanh nghiệp một chiến lược toàn diện nhằm đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh. Kiến trúc này áp dụng nhiều công nghệ khác nhau, từ các công nghệ cung cấp truy cập đến người dùng đầu cuối đến các công nghệ tăng cuờng khả năng truyền thông giữa các Trung tâm dữ liệu (Trung tâm chính và Trung tâm dự phòng). Các công nghệ này đảm bảo tính kiên cường, khả năng mau phục hồi trước các sự cố xảy ra của kho dữ liệu, của các ứng dụng và của các phương thức truy xuất của người dùng vào Trung tâm dữ liệu.
i) Đảm bảo tính kiên cường, mau phục hồi của kho dữ liệu: Kiến trúc trung tâm dữ liệu của Cisco đưa ra nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau nhằm tăng cường bảo vệ, sao lưu và dự phòng dữ liệu:
– Công nghệ kết nối WAN/MAN giữa các Trung tâm dữ liệu với tốc độ cao, độ trễ thấp: dựa trên nền tảng các công nghệ lưu trữ, công nghệ truyền dẫn quang và giải pháp mạng diện rộng của Cisco. Các giải pháp này cho phép đảm bảo khả năng không mất dữ liệu, bảo vệ các phiên làm việc, hỗ trợ khả năng chuyển đổi vai trò hoạt động giữa Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dữ phòng mọt cách tự động.
– Các công nghệ kéo dài mạng lưu trữ (SAN Extension): công nghệ FCIP, công nghệ nén, mã hóa dữ liệu và công nghệ định tuyến giữa các VLAN (Inter-VLAN routing) trên các thiết bị chuyển mạch lưu trữ (MDS9000) cho phép kéo dài khoảng cách của hệ thống mạng lưu trữ (SAN), đảm bảo an toàn dữ liệu, tăng cường độ hiệu dụng của băng thông…..
– Hỗ trợ các ứng dụng của các hãng thứ 3: hỗ trợ SANTap API cho phép hỗ trợ các ứng dụng của các hãng thứ 3 khi xây dựng giải pháp Trung tâm dữ liệu dự phòng.
ii) Đảm bảo tính kiên cường, mau phục hồi của các ứng dụng:
– Loại bỏ điểm chết của hệ thống máy chủ (Single-Point of Server Failure): hỗ trợ các nhóm máy chủ (Server clustering) nhằm tăng cường độ sẵn sàng, hỗ trợ khả năng phân tải (Load Balancing) giữa các máy chủ Web và máy chủ ứng dụng nhằm bảo vệ các ứng dụng khi xảy ra sự cố với hệ thống máy chủ.
– Mở rộng môi trường ứng dụng giữa các Trung tâm dữ liệu: hỗ trợ các nhóm máy chủ hoạt động theo nhóm (cluster) giữa các Trung tâm dữ liệu, ví dụ một số thành viên của một nhóm máy chủ (server cluster) được đặt tại Trung tâm dữ liệu chính, các thành viên còn lại của nhóm máy chủ này có thể được đặt tại Trung tâm dữ liệu dữ phòng. Các giai thức và ứng dụng điển hình như GDPS – Geographically Dispersed Parallel Sysplex của hệ thống IBM Mainframe, GeoCluster cho SQL Server của Microsoft… Để đạt được mục tiêu này yêu cầu phải có hệ thống mạng Metro tốc độ cao, độ trễ thấp liên kết các Trung tâm dữ liệu.
iii) Đảm bảo tính kiên cường, mau phục hồi của hệ thống truy cập dành cho người dùng đầu cuối:
– Mạng riêng ảo (VPN – Virtual Private Network): cho phép khách hàng hoặc người dùng đầu cuối ở các chi nhánh, người dùng ở xa có thể thực hiện kết nối ngay khi hệ thống trở lại hoạt động.
– Hệ thống lựa chọn Trung tâm dữ liệu (Global Site Selector): cho phép người dùng đầu cuối, tự động hoặc thủ công, kết nối tới ứng dụng Web hiện đang hoạt động vào bất kỳ thời điểm nào. Trong trường hợp xảy ra sự cố của ứng dụng ở bất kỳ Trung tâm dữ liệu nào (Trung tâm chính hoặc Trung tâm dự phòng), người dùng đầu cuối hoàn toàn có thể tiếp tục truy cập đến Trung tâm dữ liệu còn lại đang hoạt động bình thường.
Hình C.2.2.12: Đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh
Hình C.2.2.13: Global Site Selector (GSS)
Kết luận
Như vậy rõ ràng Trung tâm dữ liệu đóng vai trò tối quan trọng trong hạ tầng Công nghệ thông tin của doanh nghiệp nói chung và của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm nói riêng. Xu hướng phát triển của Trung tâm dữ liệu bao gồm xu hướng tập trung hóa (Consolidation), ảo hóa (Virtualization) và tự động hóa (Automation).
Khi xây dựng Trung tâm dữ liệu, ba yếu tố cốt yếu của Trung tâm dữ liệu cần được đảm bảo, đó là khả năng bảo vệ (Protect), khả năng tối ưu hóa (Optimization), và khả năng phát triển (Grow). Đồng thời giải pháp Trung tâm dư liệu là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ khác nhau, từ công nghệ mạng, công nghệ lưu trữ đến công nghệ truyền dẫn.
Trong lĩnh vực này, Cisco là nhà cung cấp giải pháp toàn diện, từ đầu cuối đến đầu cuối (End-to-End solution) duy nhất.