Không để độc quyền làm hại thị trường truyền hình trả tiền

Ngày 11/05/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

Thị trường truyền hình trả tiền chưa hoàn toàn cạnh tranh đang khiến nhiều người dân bị hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ

Chất lượng phập phù, giá liên tục tăng và chỉ có 15% hộ gia đình được sử dụng dịch vụ truyền hình cáp dường như là câu chuyện buồn của truyền hình trả tiền mang đậm chất độc quyền.

Người dân có quyền tiếp cận dịch vụ tốt, giá rẻ

Theo số liệu thống kê hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 3 triệu thuê bao truyền hình cáp và số thuê bao này phần lớn nằm trong tay của VTV. Như vậy, mới chỉ có khoảng 15% hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này sau hơn 9 năm phát triển. Những dịch vụ độc quyền ở Việt Nam thường có biểu hiện như chất lượng kém, phục vụ kém và giá tăng. Dường như những biểu hiện này đang hiện diện đầy đủ trên thị trường truyền hình cáp. Trong 3 năm qua, Truyền hình cáp Việt Nam đã tăng giá dịch vụ lên gần 3 lần – mức tăng cao hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là thiết yếu với cuộc sống của người dân. Với mức giá là 110.000 đồng/tháng/tivi hiện nay mà Truyền hình cáp Việt Nam đưa ra thì đây không phải là mức giá có thể tiếp cận đông đảo hộ gia đình Việt Nam sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều hộ gia đình Việt Nam đang rất cần những dịch vụ truyền hình cáp chất lượng tốt với mức dễ chi trả, khoảng dưới 50.000 đồng/tháng. Tất nhiên, không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng có thể cung cấp được dịch vụ với mức cước này bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là yếu tố quy mô thuê bao và chi phí đầu tư.

Thế nhưng, nếu không tạo sự cạnh tranh trên thị trường này thì việc đầu tiên là những người dân Việt Nam sẽ tiếp tục gánh chịu những hệ lụy như chất lượng dịch vụ kém và giá liên tục tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển của xã hội và ở chừng mực nào đó cũng là hành động ngăn cản người dân tiếp cận thông tin.

Khoảng 10 năm trước đây, một khách hàng đã gửi thư đến một tòa soạn của tờ báo có uy tín với nội dung “Ngành Bưu điện có lỗi với dân nhiều lắm” khi mà giá cước cao và phong cách phục vụ hách dịch. Bấy giờ, ông Mai Liêm Trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã rất trăn trở với ý kiến bức xúc của người dân. 10 năm sau, viễn thông đã lột xác khi mà cạnh tranh đã đem đến dịch vụ bình dân với mức cước thuộc diện rẻ nhất thế giới. Đó là điều đòi hỏi những người hoạch định chính sách phát triển truyền hình trả tiền phải suy nghĩ phá thế độc quyền cho thị trường này.

“Tôi thấy lạ là tại sao lĩnh vực này lại có thể độc quyền”

Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, tuy có tới 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng thị trường này ở Việt Nam vẫn manh mún, chủ yếu là đơn vị có quy mô nhỏ. Tiến sĩ Trần Minh Tuấn cho biết, sự lộn xộn của các DN truyền hình trả tiền còn nằm ở chỗ nhiều đơn vị “bắt tay ngầm” trong việc cung cấp dịch vụ. Có không ít trường hợp DN truyền hình trả tiền đã hợp đồng với tòa nhà để độc quyền cung cấp dịch vụ, ngăn chặn sự có mặt của các DN khác. Bộ TT&TT hết sức phản đối vấn đề này vì chính việc cạnh tranh sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng.

Trả lời trên truyền thông gần đây, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, một khi sản phẩm hay dịch vụ nào đó rơi vào tình trạng độc quyền trên thị trường, thì người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt đầu tiên. Ở Việt Nam, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù, các sản phẩm khác khó mà được phép độc quyền, bởi mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia vào thị trường. Quản lý nhà nước cũng không để cho doanh nghiệp nào độc quyền. “Tôi cũng thấy lạ là tại sao trong lĩnh vực này (truyền hình trả tiền – PV), các doanh nghiệp lại có thể độc quyền. Điều đó cũng cho thấy độ vênh khá rõ giữa các đơn vị của nhà nước và tư nhân (các kênh truyền hình trả tiền của VTV và các kênh có sự tham gia của tư nhân khác như AVG… – PV)”, bà Lan nói.

Bàn về chính sách cạnh tranh của thị trường, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường. Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh”.

Phải cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường

Trả lời báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, để phát huy những mặt tích cực, khắc phục một số bất cập trong quá trình phát triển thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành một số quy hoạch mang tính đồng bộ để phát triển ngành truyền hình nói chung và thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền nói riêng, theo hướng bền vững, công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ cao. Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự hiện tại bằng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Khi đó, người dân sẽ được xem các chương trình truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn và số lượng các chương trình truyền hình cũng nhiều hơn, đồng thời có thể tích hợp cả dịch vụ phát thanh, truyền hình với các kênh truyền hình độ phân giải cao và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng phong phú.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, một trong những định hướng phát triển là sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền hiện có, đặc biệt là truyền hình cáp tương tự nhằm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải; hình thành thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020, nội dung chương trình phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; chất lượng dịch vụ ngày càng cao và giá dịch vụ phù hợp.

“Bộ TT&TT sẽ quản thị trường truyền hình trả tiền để từng bước hình thành những doanh nghiệp lớn, có năng lực, bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng trên diện rộng và có khả năng vươn ra khu vực và thế giới… Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ TT&TT xác định để phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền là bên cạnh việc hoàn thiện môi trường pháp lý thì sẽ tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra xử phạt sau cấp phép, kiểm soát chất lượng thiết bị”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Thái Khang-http://ictnews.vn

22/03/2013 08:10:56

Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 35 ra ngày 22/3/2013

024 7303 4068