Tại Tọa đàm “Xu hướng phát triển 3G tại Việt Nam” diễn ra sáng 9/5/2013 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, nhà mạng thừa nhận chưa thể đáp ứng nhu cầu kết nối và chất lượng mạng của khách hàng.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G của các thuê bao di động tăng vọt, đặc biệt là các ứng dụng tiêu tốn băng thông lớn đã khiến các doanh nghiệp viễn thông dù rất nỗ lực đầu tư hạ tầng vẫn chưa thể làm hài lòng các thượng đế về tốc độ kết nối và chất lượng mạng.
Khách hàng đòi hỏi chất lượng 3G cao hơn
Theo Báo cáo “Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM” do Báo Bưu điện Việt Nam phối hợp thực hiện với Công ty Nielsen vừa được công bố sáng nay 9/5/2013, có tới 92% người dùng 3G tham gia khảo sát cho rằng tốc độ đường truyền là yếu tố quan trọng nhất của dịch vụ 3G (khảo sát năm ngoái cho thấy vùng phủ sóng là yếu tố quan trọng nhất – PV). Thế nhưng, chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% của năm 2011). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền, 56% người dùng 3G vẫn mong muốn nhà mạng cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng mạng.
Trước câu hỏi: “Phải chăng chất lượng mạng của dịch vụ 3G đang đi xuống?”, ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc VinaPhone khẳng định không phải vậy. Nguyên nhân chính do xu thế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn. “Thời gian qua, các nhà mạng rất quan tâm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng mạng và tốc độ kết nối, trong quá trình khai thác dịch vụ đã cân chỉnh mạng cho phù hợp khả năng của mình, ưu tiên tập trung cao cho những điểm có yêu cầu sử dụng lớn, đặc biệt là các thành phố. Có thể đôi lúc có phát sinh không đáp ứng mong muốn của khách hàng nhưng các nhà mạng vẫn đang tiếp tục củng cố chất lượng mạng ngày càng tốt hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Năm 2012, số lượng khách hàng sử dụng 3G tăng gấp 5 lần so với năm 2011, nhu cầu trải nghiệm dịch vụ của người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, chẳng hạn trước đây truy cập các trang wap (dạng text) để tiết kiệm băng thông thì hiện nay truy cập những trang web có đủ cà tranh ảnh, video… Khi người dùng trải nghiệm nhiều hơn thì những khiếm khuyết nhất định của mạng lưới trước đây sẽ bộc lộ rõ hơn. Đòi hỏi của khách hàng về việc nâng cao chất lượng băng thông 3G đang trở thành thách thức lớn đối với nhà mạng”.
Nhìn nhận một cách khách quan thì sau 3 năm được cấp phép triển khai dịch vụ 3G, các nhà mạng rất nỗ lực đầu tư cho việc triển khai dịch vụ. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay: “Ước tính tổng đầu tư vào mạng lưới 3G tại Việt Nam đã lên tới hơn 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) và có hơn 44.000 trạm phát sóng 3G được thiết lập hoạt động. Kết quả đo kiểm chất lượng mạng do Cục Viễn thông, Bộ TT&TT thực hiện mới đây cho thấy tốc độ tải trung bình trên thực tế của các nhà mạng đạt 1,8Mbps, tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt trên 99%. Như vậy, các nhà mạng đã làm tốt hơn rất nhiều so với cam kết ban đầu trong hồ sơ xin cấp phép triển khai 3G – tốc độ tải tối thiểu tại nông thôn là 284Kbps, ở thành thị là 384Kbps. Tuy nhiên, rất khó có thể thỏa mãn nhu cầu của người dùng khi nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng”.
Để nâng cao chất lượng mạng 3G, Bộ TT&TT vừa ban hành thông tư về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông; theo đó, các doanh nghiệp phải công khai công bố chất lượng đã được đo kiểm. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông phối hợp các công ty nghiên cứu thị trường để khảo sát quy mô lớn về độ hài lòng của khách hàng.
Nhà mạng đối mặt với nhiều thách thức
Ngoài thách thức về chất lượng mạng và tốc độ kết nối 3G, các nhà mạng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác trong hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ di động nói chung và 3G nói riêng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nêu ra 3 thách thức cụ thể. Một là, năng lực phủ sóng trong nhà của các nhà mạng còn yếu, cần tiếp tục hoàn thiện bằng giải pháp kỹ thuật. Hai là nguy cơ quá tải lưu lượng khi số lượng người dùng tăng, số lượng ứng dụng đòi hỏi nhiều băng thông càng nhiều. Nhà mạng phải có giải pháp giải tỏa lưu lượng thông qua các hạ tầng khác (như wi-fi) chứ không chỉ dựa vào hạ tầng không dây băng rộng. Ba là có quá ít ứng dụng chuyên cho 3G để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; một phần do chưa có xã hội online (trực tuyến) sử dụng giao dịch không tiền mặt và phần khác là các lĩnh vực như ngân hàng, hải quan,.. vẫn chưa để tâm tới việc các dịch vụ dành riêng cho 3G
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đã công bố định hướng chính sách của Bộ TT&TT thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện cho dịch vụ di động nói chung và 3G băng rộng nói riêng phát triển bền vững, ổn định.
Trong đó, về công nghệ, chắc chắn sẽ cấp phép triển khai 4G nhưng phải theo lộ trình phù hợp. Trong Quy hoạch Phát triển viễn thông quốc gia tới năm 2020 thì sau năm 2015, Việt Nam mới xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G và các thế hệ tiếp theo trên cơ sở đấu giá, thi tuyển. Bởi hiện tại các doanh nghiệp viễn thông mới triển khai 3G được 3 năm, cần có thời gian khai thác hết hiệu quả của hạ tầng đã đầu tư. Mặt khác, thiết bị 4G trên thị trường vẫn chưa nhiều, giá còn đắt, đặc biệt là thiết bị đầu cuối.
Về tài nguyên, đặc biệt là tần số cho các hệ thống thông tin di động, Bộ TT&TT đã ban hành quy hoạch băng tần cho các hệ thống băng rộng di động tương lai và cũng đã triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất để giải phóng băng tần 700 Mhz dùng cho các dịch vụ di động băng rộng.
Về các ứng dụng chuyên cho 3G, Bộ TT&TT đang xây dựng các chính sách và sẽ sớm có quy định về mối quan hệ hợp tác giữa các nhà mạng với nhà cung cấp dịch vụ nội dung số và với các nhà cung cấp dịch vụ OTT như Skype, Viber,.. Quan điểm chung là các bên cùng có lợi và đảm bảo lợi ích cho cả người dùng.
Ngọc Mai-09/05/2013 17:00:08-http://ictnews.vn