Hiện nay Trung Quốc là thị trường di động lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ thuê bao. Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng di động cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone tại Trung Quốc đang thúc đẩy việc chuyển đổi từ thanh toán trực tuyến sang thanh toán di động, tạo nên một bước đột phá lớn trên thị trường Trung Quốc.
Ngành công nghiệp thanh toán di động của quốc gia này được coi là một thị trường đang phát triển với nhiều tiềm năng, thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thiết bị và các nhà khai thác cũng rất quan tâm đến việc phát triển thanh toán di động. Theo Jake Saunders, Phó giám đốc nghiên cứu dự báo tại ABI Research, cho biết “Trung Quốc là một thị trường thanh toán di động lớn và hấp dẫn” với doanh thu từ dịch vụ thanh toán qua di động tại Trung Quốc dự báo sẽ đạt hơn 8 tỷ USD vào năm 2014.
Trong khi tiềm năng thực tế của thị trường này là rất lớn thì việc công nghệ thanh toán nào sẽ chiếm lĩnh thị trường – RF SIM trên dải tần 2.4 hay NFC trên băng tần 13,56 MHz- vẫn là một ẩn số. Cuộc chay đua trong lĩnh vực thanh toán di động ở Trung Quốc chủ yếu tồn tại giữa 3 lực lượng: Các MNO, các tổ chức ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động thứ ba. Các tổ chức tài chính như China UnionPay, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động thứ ba và các nhà khai thác mạng di động (China Mobile, China Unicom và China Telecom) đua tranh nhau nhảy vào thị trường này, nhằm thu lợi nhuận và tranh giành miếng bánh thị phần hấp dẫn. Cuối cùng, cuộc đua tranh nhằm chiếm lĩnh thị phần giữa ba lực lượng sẽ quyết định tiêu chuẩn công nghệ thanh toán cho thị trường lớn nhất thế giới này.
Hiện tại, Trung Quốc cũng là thị trường smartphone lớn nhất trên thế giới. Theo công bố khảo sát thị phần mới đây của công ty nghiên cứu và tư vấn Canalys, Mỹ không còn là thị trường lớn nhất của smartphone, thay vào đó là Trung Quốc, quốc gia hơn một tỷ dân tại châu Á. Trong quý I đầu năm nay, cả thế giới đã có 146 triệu máy smartphone được bán ra (tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái). Sức tăng trưởng không có sự đồng đều giữa các khu vực với nhau. Tại Mỹ, doanh số smartphone chỉ tăng 5%, trong khi khu vực châu Á Thái Bình Dương chứng kiến sức tăng tới 81%. Riêng Trung Quốc, lượng sản phẩm tăng gấp đôi so với năm ngoái, chiếm 22% tổng doanh số smartphone toàn cầu. Cùng thời gian đó, Mỹ chỉ đạt được 16%. Tổng số người dùng Internet di động vượt quá 350 triệu (tính đến quý 3/2011).
Sự tăng trưởng nhanh của thị trường di động kết hợp với dân số đông, một nền kinh tế phát triển khiến cho Trung Quốc trở thành một thị trường thanh toán di động tiềm năng và hấp dẫn nhất trên thế giới. Mặc dù năm 2010 tổng giá trị giao dịch thanh toán di động vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 2,4 tỷ USD, nhưng theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Gartner con số này sẽ tăng lên gần 40 tỷ USD vào năm 2014, tức là tăng gần 17 lần (Hình 1).
Hình 1: Dự báo doanh thu thanh toán qua di động tại Trung Quốc (Nguồn: Gartner)
Các động lực thúc đẩy thanh toán di động
So với các thị trường khác, Trung Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển một hệ thống thanh toán di động mạnh mẽ. Đầu tiên là có những doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ trên quy mô lớn. China Union Pay (CUP-Trung Quốc Ngân Liên) là tập đoàn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thẻ ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, được thành lập tháng 3/2002 tại Thượng Hải. CUP có hơn 200 thành viên trong nước và quốc tế, mạng lưới chấp nhận giao dịch thẻ CUP phát triển rộng rãi ở Trung Quốc và mở rộng tới trên 30 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Úc. Còn China Mobile, nhà khai thác di động lớn nhất trong nước, có lượng thuê bao ấn tượng lên tới 600 triệu thuê bao, trong khi Alipay, trang web thanh toán trực tuyến với giao diện hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, hiện đã vượt mặt cả PayPal với hơn 600 triệu tài khoản đăng ký và hơn 7 triệu giao dịch mỗi ngày.
Thứ hai, Trung Quốc có một hạ tầng di động và thanh toán phát triển nhanh chóng, có khả năng chuyển đổi lên các nền tảng mới, tiên tiến. Sự phổ biến của các ứng dụng và mạng 3G cũng như việc chấp nhận thanh toán điện tử cho hàng hóa và dịch vụ các thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa của Trung Quốc tất cả đều góp phần thúc đẩy thị trường thanh toán di động tăng trưởng.
Thứ ba, Trung Quốc là một thị trường lớn với nhiều nhà cung cấp uy tín và có tiềm lực, họ không ngừng cải tiến và đổi mới hệ thống di động, nhằm thúc đẩy hành vi tiêu dùng mới của khách hàng và tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thanh toán di động.
Cuối cùng, cả ba lực lượng đều có chung một mục tiêu chiến lược để triển khai thành công thanh toán di động. Các nhà mạng di động đang tìm cách đẩy mạnh các nguồn doanh thu mới, bù lại sự sụt giảm doanh thu thoại; các ngân hàng Trung Quốc và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó nâng cao doanh thu; tất cả tạo ra một cơ hội, một môi trường thuận lợi để thúc đẩy thị trường thanh toán qua di động cất cánh.
5 khía cạnh cần tập trung phát triển
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng thị trường Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những rào cản lớn trong thanh toán di động, và cho đến nay các nhà cung cấp mới chỉ đạt được những thành công ban đầu. Do Trung Quốc có diện tích rộng lớn 9.571.300 km², đường biên giới với 14 quốc gia và lãnh thổ khác trên thế giới, bởi vậy thị trường bị phân mảnh khá nhiều, tức là nhu cầu tiêu dùng và tiềm năng kinh doanh giữa các vùng miền khác nhau tương đối nhiều, rất khó để xây dựng và triển khai thành công một ứng dụng duy nhất trên cả nước. Ngoài ra, những tranh cãi xung quang việc thiết lập tiêu chuẩn thanh toán di động chung cho cả thị trường cũng làm trì hoãn và ảnh hưởng tới việc chấp nhận công nghệ và thực hiện triển khai.
Bên cạnh đó là sự hạn chế về cộng tác giữa các lĩnh vực công nghiệp khác nhau cũng như các quy định pháp luật của Trung Quốc. Các nhà cung cấp sản phẩm, các tổ chức tài chính, các mạng di động, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba do các Bộ ngành khác nhau của chính phủ quản lý; cùng với cuộc đua tranh giành miếng bánh thị phần hiện có dường như đang hạn chế những nỗ lực hợp tác để cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này.
Các công ty thanh toán trực tuyến không ngừng đẩy mạnh lợi nhuận bằng cách tung ra các giải pháp thanh toán di động mới cho các doanh nghiệp với mức phí thấp. Mới đây, Alipay đã triển khai đầu đọc mã vạch 2D cho các doanh nghiệp kinh doanh cỡ vừa, thu hút được 10 triệu người sử dụng cho các ứng dụng thanh toán di động mới nhất. Như vậy, chuỗi giá trị thanh toán di động đang được mở rộng. Hiện nay, tại một số thị trường phát triển lên trên thế giới, thanh toán trực tuyến ngày càng có vai trò quan trọng và trở thành nhu cầu tất yếu của khách hàng, nó tham gia vào mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày từ tiếp thị, mua sắm, cung cấp dịch vụ, kiểm tra sau mua hàng…
Trong tương lai gần, trong thị trường thanh toán di động Trung Quốc có thể cùng tồn tại nhiều mô hình thanh toán. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp nhất với nhu cầu của họ, dựa trên nguyên tắc mô hình nào mang lại trải nghiệm và giá trị tốt nhất cho họ. Một số loại hình thanh toán như ví điện tử với nhiều ưu đãi, các cơ hội mua sắm hấp dẫn… sẽ không chỉ phổ biến ở các đô thị, thành phố lớn mà còn lan ra cả các khu vực nông thôn.
Để triển khai thành công thanh toán qua di động ở Trung Quốc, các nhà cung cấp có một tiếp cận thích hợp và hiệu quả, tập trung vào 5 khía cạnh sau:
Tập trung vào nâng cao giá trị tạo ra cho các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân.
Trên cơ sở đó, các nhà cung cấp thanh toán qua di động cần khởi động những giải pháp tập trung đặc biệt vào nhu cầu của khách hàng và khả năng tương tác với khách hàng, nhằm tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Nếu chỉ đơn giản là nhúng các thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt trong chiếc điện thoại di động sẽ không thúc đẩy và thu hút được việc sử dụng dịch vụ trên quy mô lớn.
Mở rộng mô hình kinh doanh
Mở rộng quy mô phục vụ cũng như các loại hình dịch vụ thanh toán đa dạng tức là có nhiều cơ hội được phục vụ khách hàng hơn, qua đó thu hút người dùng, tạo niềm tin và lòng trung thành thương hiệu từ đó nâng cao doanh thu. Nguồn dữ liệu người dùng khổng lồ cũng có thể tạo ra giá trị chiến lược to lớn.
Xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Cùng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống thanh toán di động và các ứng dụng cũng thay đổi nhanh chóng, do đó đối với các nhà cung cấp dịch vụ một vấn đề không kém phần quan trọng là lựa chọn các đối tác chiến lược phù hợp, cũng như xây dựng các kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường rõ ràng và chi tiết.
Đầu tư, triển khai thử nghiệm các phương thức thanh toán mới. Đối với các ngân hàng và các nhà khai thác di động không năng động, sáng tạo, có xu hướng chấp nhận và áp dụng danh mục các phương thức thanh toán có sẵn có thể gặp phải ít rủi ro trong triển khai nhưng chưa chắc đó là một ý tưởng khôn ngoan. Khởi động và thực hiện nhiều chương trình thí điểm cùng một lúc sẽ giúp nhà cung cấp lựa chọn được một mô hình thanh toán mới ưu việt, giúp nhanh chóng xóa bỏ các mô hình cung cấp cũ, lạc hậu, mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng và thu hút họ sử dụng. Nhiều khi mạo hiểm trên thị trường cũng chính là tạo cơ hội chiến thắng và thành công.
Tìm hiểu và thích ứng
Tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thanh toán di động tại nước phát triển và đang phát triển, xác định phương thức hoạt động và nguyên nhân họ thành công, từ đó rút ra các nguyên tắc và bài học kinh nghiệm là rất cần thiết đối với các nhà cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không được áp dụng máy móc, bất kỳ giải pháp nào cũng cần được áp dụng linh hoạt theo điều kiện thị trường thì mới có thể thành công tại Trung Quốc.
Do quy mô rộng lớn của thị trường, trước mắt Trung Quốc có thể triển khai nhiều hình thức thanh toán di động khác nhau tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, mô hình nào ưu việt và mang lại giá trị tối đa cho người dùng và doanh nghiệp sẽ chiếm lĩnh được thị phần lớn nhất trên thị trường này.
Thu Hằng
12:00 | 04/05/2013
http://tapchibcvt.gov.vn/