Dự án Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử Chính phủ (GIDC) với tổng vốn đầu tư 117,327 triệu USD sẽ được Bộ TT&TT triển khai nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả quản lý dữ liệu của cả hệ thống cơ quan Chính phủ.
GIDC là mô hình hệ thống thông tin hiện đại có khả năng tích hợp, quản lý thống nhất hạ tầng thông tin để đẩy nhanh triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước; đảm bảo an toàn bảo mật trong việc lưu trữ các cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng của quốc gia.
GIDC sẽ lưu trữ tập trung các CSDL quy mô quốc gia hiện đang được lưu trữ tại các Bộ, ngành, địa phương cũng như các CSDL sẽ được xây dựng trong thời gian tới; cho phép hoạt động trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương giảm sự lưu trữ dữ liệu trùng lặp, chồng chéo và không đồng bộ, hướng tới kết nối thông suốt các hệ thống thông tin vận hành trong toàn hệ thống cơ quan Nhà nước.
GIDC sẽ được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc trên tổng diện tích 20.000m2, cung cấp hạ tầng và máy chủ phục vụ hoạt động trung tâm dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Dự kiến trong tương lai, khi nhu cầu sử dụng tăng lên sẽ có thể xây dựng thêm 1 GIDC ở miền Nam và 1 GIDC khác ở miền Trung (chắc và hy vọng là đặt tại Đà Nẵng).
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT, “GIDC một mặt tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với những cơ quan có hạ tầng CNTT hạn chế, giảm sự chênh lệch về ứng dụng CNTT giữa các Bộ, ngành, địa phương; mặt khác giúp quá trình đầu tư, phát triển mới các hệ thống thông tin có chất lượng cao hơn, nhanh chóng hơn, chi phí rẻ hơn, dễ dàng mở rộng quy mô phù hợp với nhu cầu phát sinh. Đồng nghĩa sẽ tối giảm chi phí chung về quản lý trung tâm dữ liệu của toàn hệ thống các cơ quan Chính phủ so với việc từng cơ quan vận hành riêng lẻ các trung tâm dữ liệu của mình”.
Dự án GIDC được triển khai với tổng vốn đầu tư 117,327 triệu USD, trong đó vốn ODA vay ưu đãi của Hàn Quốc là 100 triệu USD, còn lại 17,327 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự kiến ngay trong quý 1/2012, Bộ TT&TT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn thiết kế của dự án GIDC.
Dữ liệu bên trong GIDC sẽ được bảo vệ theo nhiều lớp và nhiều góc độ như: áp dụng các giải pháp phần mềm bảo mật, thuật toán mã hóa thông tin, chữ ký số, hệ thống xác thực, quản trị định danh và phân quyền sử dụng, cài đặt hệ thống tường lửa, thiết lập các mạng riêng ảo…; sử dụng thiết bị bảo mật phần cứng, thiết bị đo kiểm, giám sát truyền tải dữ liệu, kết nối, thiết bị phát hiện các thiết bị truyền phát sóng, thiết bị lưu trữ được mã hóa, thiết bị bảo mật bằng mật khẩu dùng 1 lần…
Về kiểm soát an ninh vật lý, ở bên ngoài GIDC sẽ trang bị hệ thống giám sát an ninh ra vào bằng thẻ thông minh; ở bên trong có hệ thống camera quan sát 24/24h với thời gian lưu trữ 7 ngày liên tục, áp dụng công nghệ sinh trắc học đối với khu vực có mức độ an ninh cao…
Theo ICTnews