Xu hướng thuê ngoài trung tâm dữ liệu đến Việt Nam

Ngày 03/01/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

Hàng loạt các trung tâm dữ liệu theo chuẩn quốc tế ra đời gần đây cho thấy Việt Nam đang đón đầu xu hướng trở thành điểm đến của dịch vụ thuê ngoài trung tâm dữ liệu.

Thời của các trung tâm dữ liệu cho thuê

Đối với các tổ chức mà cơ sở dữ liệu đóng vai trò quyết định trong hoạt động, việc sở hữu một Trung tâm dữ liệu (Data Center- DC) là bắt buộc. Chẳng hạn, các ngân hàng, công ty chứng khoán cần DC để lưu trữ thông tin về khách hàng, tài khoản, lịch sử các giao dịch; các công ty bảo hiểm lại cần DC để lưu trữ thông tin khách hàng, thông tin hợp đồng, theo dõi thực hiện hợp đồng… Trên thế giới, DC được các doanh nghiệp sử dụng từ cách đây vài chục năm với những tòa nhà chuyên dụng mọc lên khắp nơi. Tuy nhiên, trải qua thực tế, người ta dần nhận ra những bất cập của việc tự xây dựng và quản lý một DC.

Ước tính, chi phí để xây dựng một DC thường từ 5.400 USD/m2 – 13.000 USD/m2 và mất từ 9 đến 18 tháng. Đó là chưa kể cần có một đội ngũ nhân sự chuyên trách để vận hành DC này. Còn theo nhà phân tích thị trường Chengyu Wu của Frost and Sullivant, 2/5 mức tiêu thụ năng lượng của một công ty được dùng cho việc giữ cho trung tâm dữ liệu của họ hoạt động. Điều này dẫn đến chi phí cho việc điều hành nó quá cao và gần như bất khả thi. Số tiền cho bất động sản và các thiết bị cũng là một nguồn chi không nhỏ. Đó là lý do các doanh nghiệp dần chuyển sang xu hướng thuê ngoài dịch vụ DC mà châu Á – Thái Bình Dương là một thị trường hấp dẫn.

Một lý do khác. Từ sau sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ, 60% các công ty đóng tại World Trade (Mỹ) đã phá sản sau thảm họa này. Do đó, các doanh nghiệp dần thay đổi quan niệm, thay vì dữ liệu phải ở kề bên mình, doanh nghiệp chuyển sang quan niệm cần phải lưu trữ dữ liệu ở nơi an toàn và phải dự phòng (back up) ở nhiều địa điểm khác nhau.

Vài năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến vai trò của các DC trong hoạt động của mình. Nhờ đúc rút kinh nghiệm đi trước của các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với quy mô còn khiêm tốn, các doanh nghiệp trong nước thường có xu hướng thuê ngoài các dịch vụ DC thay vì tự xây dựng. Đó là lý do 3 năm gần đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ DC đã tham gia thị trường tiềm năng này như FPT, Viettel, CMC… Thậm chí, một số doanh nghiệp từ chỗ tự xây dựng để phục vụ nhu cầu của bản thân cũng mở rộng để cho thuê như Vinagame, SeABank… Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ DC đều có nhiều dịch vụ khác nhau từ cho thuê chỗ đặt máy chủ (co location); cho thuê máy chủ (hosting); dịch vụ xử lý số liệu; dịch vụ khôi phục dữ liệu; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng; dịch vụ về an toàn, bảo mật…

Tiềm năng của khu vực và cơ hội cho Việt Nam

Theo bà Wu, thị trường dịch vụ hosting và trung tâm dữ liệu tại châu Á – Thái Bình Dương phát triển mạnh trong gần một thập kỷ, đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, dịch vụ trung tâm dữ liệu là một trong những ngành hiếm hoi tránh được cuộc suy thoái. Doanh thu của thị trường này năm 2009 đạt 8 tỷ USD (tăng 12,8% mỗi năm), dự kiến đạt 9,18 tỷ USD vào cuối năm 2010 và ước tính doanh thu của thị trường này sẽ đạt 10,68 tỷ USD đến cuối năm 2011.

Theo những phân tích của Frost and Sullivant, những nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu hàng đầu trong khu vực là Nhật Bản, Australia, Singapore, Hồng Kông, trong đó Singapore và Hồng Kông là những lựa chọn hàng đầu nhờ lợi thế của khu vực. Tuy nhiên, theo bà Wu, nhu cầu cho dịch vụ trung tâm dữ liệu hiện giờ đã vượt quá khả năng cung cấp. Thực tế, trên 80% những trung tâm dữ liệu lớn ở khu vực đang hoạt động với gần 90% khả năng và bộ nhớ đã ở mức quá tải.

Những thực tế trên đang mở ra một cơ hội mới cho Việt Nam. Điều này có thể lý giải cho việc các tập đoàn lớn về trung tâm dữ liệu như KDDI, NTT Communications… đã và đang tìm đến các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT của Việt Nam như VNPT, FPT để hợp tác. Trong buổi ra mắt trung tâm dữ liệu Telehouse Việt Nam mới đây, ông Misao Sawahata, Chủ tịch Telehouse Việt Nam (liên doanh giữa KDDI và FPT IS) cho biết chiến lược của công ty là đón đầu làn sóng dịch vụ thuê ngòai trung tâm dữ liệu đang có xu hướng dịch chuyển tới Việt Nam. Ông Misao cũng bày tỏ kỳ vọng thị phần dịch vụ trung tâm dữ liệu do công ty cung cấp tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới sẽ cao gấp 4, 5 lần thị trường tại Singapore. 

Một đại diện Công ty GDS (liên doanh giữa VNPT và NTT Communications) cũng tiết lộ đối tượng khách hàng nhắm đến của họ ngoài các tổ chức tài chính còn là các tập đoàn đa quốc gia với nhu cầu lưu trữ thông tin tại chỗ phục vụ thị trường bản địa. 

Theo đại diện FPT IS, việc Việt Nam có thể trở thành một điểm đến về dịch vụ thuê ngoài trung tâm dữ liệu là hoàn toàn có thể, bởi chúng ta có ưu thế về tính ổn định (bao gồm tình hình chính trị, nằm ngoài khu vực có khe rãnh về động đất, các nguy cơ gây mất an toàn thông tin khác thấp). Ngoài ra, việc được chuyển giao những công nghệ quản lý, cung cấp dịch vụ tiên tiến ở đẳng cấp quốc tế từ các tập đoàn lớn là những khoản lợi nhuận không gì sánh được.

Theo PCW

024 7303 4068