Với lượng địa chỉ IPv4 ít ỏi hiện có, trong khi việc phát triển IPv6 vẫn “chậm chạp”, FPT Telecom và CMC Telecom sẽ gặp không ít khó khăn trong phát triển thuê bao mới.
ICTnews- Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), 2 nhà mạng CMC Telecom và FPT Telecom đang đứng trước tình trạng thiếu hụt địa chỉ IPv4 để phát triển thuê bao mới do lượng địa chỉ dự trữ chưa tương xứng với tốc độ phát triển và thị phần băng rộng hiện tại.
>> Mất 4-5 năm để chuyển lên IPv6
Tốc độ thuê bao giảm 50% so với kế hoạch vì thiếu IPv4
Ngày 15/4/2011, Châu Á Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên trên thế giới chính thức cạn kiệt địa chỉ IPv4. Ông Hoàng Minh Cường, Giám đốc Trung tâm VNNIC cho biết, nhận thức được vấn đề này, nhiều năm trước đây, Bộ TT&TT đã liên tục cảnh báo cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước về nguy cơ thiếu hụt địa chỉ, khuyến khích các doanh nghiệp xin cấp phát dự trữ lượng địa chỉ đủ cho phát triển mạng lưới, dịch vụ, khách hàng trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi sang IPv6.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp như VNPT, Viettel, SPT… đã phối hợp với VNNIC xin dự trữ được lượng địa chỉ lớn (hơn 15,5 triệu địa chỉ), giúp nâng số lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam lên thứ hạng cao của khu vực (thứ 25 của thế giới, thứ 8 của Châu Á và thứ 2 khu vực ASEAN). Ví dụ như VNPT, với 48,63% thị phần băng rộng, đơn vị này đã dự trữ được hơn 7,7 triệu địa chỉ IPv4 (chiếm 49% tổng số địa chỉ của Việt Nam) hay Viettel đang giữ khoảng 32,25 thị phần băng rộng và dự trữ được hơn 5,4 triệu địa chỉ IPv4 (chiếm 35% tổng số địa chỉ)…
Tuy nhiên, theo ông Cường, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên chưa tích cực chuẩn bị, dẫn đến tình trạng thiếu hụt địa chỉ IPv4. “FPT Telecom hay CMC TI dù chiếm thị phần 15,87% băng rộng và 0,96% băng rộng nhưng lượng địa chỉ IPv4 dự trữ lần lượt là: hơn 1,4 triệu địa chỉ IPv4 (tương đương 9% tổng số địa chỉ ở Việt Nam) và hơn 41.000 địa chỉ (khoảng 0,27% tổng số địa chỉ)”, ông Cường dẫn chứng. Hệ quả là CMC TI đã để xảy ra hiện tượng thiếu hụt nghiêm trọng địa chỉ IPv4, dẫn đến việc phải gửi văn bản lên Bộ TT&TT xin đăng ký thêm địa chỉ.
Trao đổi với ICTnews, vị đại diện CMC Telecom cho biết, với mục tiêu đạt khoảng 90.000 thuê bao Internet đến cuối năm 2013, dù thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật để cấp phát địa chỉ nhưng lượng địa chỉ IPv4 còn lại sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới của CMC TI. “Thời gian tới, khi việc phát triển IPv6 vẫn chậm chạp thì có thể tốc độ tăng trưởng thuê bao của CMC Telecom sẽ giảm khoảng 50% so với kế hoạch”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Phía FPT Telecom thì cho rằng, dù lượng địa chỉ IPv4 còn lại sẽ khiến FPT gặp không ít khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới nhưng đơn vị sẽ cố gắng sử dụng hiệu quả lượng địa chỉ ít ỏi này để phát triển thuê bao, đồng thời thử nghiệm việc cấp phát địa chỉ IPv6 cho những thuê bao mới.
Tốc độ tăng trưởng Internet ở mức cao là nguyên nhân thiết hụt địa chỉ
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm VNNIC nhận định, tốc độ phát triển nhanh của các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smartphone và nhu cầu “online” liên tục của người dùng đã dẫn đến việc “ngốn” địa chỉ IP và làm cho các doanh nghiệp viễn thông đứng trước nguy cơ thiếu hụt địa chỉ, dù lượng địa chỉ IPv4 được cấp của Việt Nam rất lớn. “Chưa kể, tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet của Việt Nam cũng cao hơn mức trung bình của Châu Á, khu vực có tốc độ tăng trưởng nóng và là nơi đầu tiên hết địa chỉ IPv4”, ông Tân nói.
Lý giải về nguyên nhân cạn kiệt địa chỉ IPv4 của CMC và FPT, ông Tân cho rằng, chủ yếu liên quan đến tầm nhìn kế hoạch phát triển trong tương lai, chưa có sự quan tâm đúng mức về địa chỉ IPv4 trong công tác phát triển thuê bao mới hay còn” lăn tăn” giữa chi phí bỏ ra với lượng địa chỉ thu được.
Cùng quan điểm, đại diện CMC Telecom cho biết, trước năm 2010, dù địa chỉ IPv4 khá thừa thãi nhưng khi đó, đơn vị này chỉ có nhu cầu phát triển thuê bao Internet cáp quang (hiện CMC Telecom đã phát triển thêm dịch vụ Internet trên truyền hình cáp – PV), do đó hơn 30.000- 40.000 địa chỉ IPv4 xin cơ quan quản lý là đủ để phát triển thuê bao, doanh nghiệp đã không lường trước những bước phát triển mạnh mẽ sau này.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài hơn 15 triệu địa chỉ cấp cho 5 nhà mạng lớn, 600.000 địa chỉ IPv4 còn lại đang được phân phối cho các ISP nhỏ cũng như các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán… đã làm lượng địa chỉ này phân mảnh và sử dụng không hiệu quả. Đặc biệt là thời điểm này cơ quan quản lý chưa có quy định thu hồi lại nếu sau một thời gian không sử dụng hết khoảng 80% lượng địa chỉ được cấp. Chưa kể, 2 doanh nghiệp lớn là Viettel và VNPT (giữ khoảng 84% tổng lượng địa chỉ hiện có) xin địa chỉ IPv4 để “giữ chỗ” là chính, thay vì dựa vào tốc độ phát triển thực tế của doanh nghiệp. Giải đáp vấn đề trên, ông Tân cho rằng, việc xin cấp phát địa chỉ IPv4 đều dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và cập nhật báo cáo tình hình sử dụng lượng địa chỉ mình đang có.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán… cũng như 2 nhà mạng VNPT, Viettel đều sử dụng gần hết lượng địa chỉ IPv4 và chỉ còn một lượng nhỏ để dự trữ. “Thậm chí, do phát triển mạnh thuê bao 3G, lượng địa chỉ IPv4 mà Viettel, VNPT được cấp đợt cuối cùng chỉ bằng một nửa nhu cầu của họ trong 1 năm sắp tới”, ông Tân khẳng định.
TP
http://ictnews.vn/
18/07/2013 15:50:29
Từ khóa: vps giá rẻ, máy chủ ibm, may chu ibm