Dịch vụ HD+ của K+ đang có mức phí thuê bao đắt nhất trên thị trường truyền hình trả tiền. Ảnh minh họa: Internet
Trong khi AVG đang cho không đầu thu thì K+ và VTC đang bán thiết bị dưới giá vốn. Chưa bao giờ khách hàng được dùng dịch vụ truyền hình số vệ tinh rẻ như bây giờ. Chọn dịch vụ truyền hình độ nét cao chuẩn HD của nhà đài nào để khách hàng được lợi nhất?
AVG cho không đầu thu, K+ và VTC bán thiết bị dưới giá vốn
Hiện thị trường đang có 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh (chuẩn HD và SD) là VTC, K+ và AVG. Chỉ có AVG gần như miễn phí bộ thu tín hiệu khi áp dụng chính sách cho khách hàng mượn bộ đầu thu tín hiệu (set top box) trong thời hạn 18 tháng mà không phải đặt cọc. Còn khách hàng dùng dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC và K+ phải mua bộ đầu thu tín hiệu (bao gồm đầu thu giải mã, chảo thu, thẻ giải mã…).
Cách đây hơn 1 tháng, khách hàng dùng dịch vụ HD của K+ hoặc VTC sẽ phải chi khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng để mua bộ thu tín hiệu cộng với nạp thẻ trả tiền cho các gói thuê bao theo thời hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Nhưng đến nay khoản đầu tư ban đầu này sẽ giảm đi gần một nửa khi VTC và K+ đua nhau giảm giá thiết bị. Từ 8/3/2013, K+ đã công bố mức giá mới của bộ thiết bị HD sẽ chỉ còn 2 triệu đồng/bộ. Mức giá mới của K+ đã giảm gần 50% so với mức giá cũ (3.550.000đồng/bộ).
Cho đến ngày 26/4/2013, VTC cũng tung ra một chương trình giảm giá sốc, giảm gần 50% giá thiết bị VTC HD. Trong 3 tháng từ 30/4 đến 30/7/2013, khách hàng đăng ký mới dịch vụ VTC HD chỉ phải mua bộ thiết bị VTC HD chỉ còn 1.990.000 đồng/bộ. Mức giá mới này đã giảm gần 50% so với mức giá cũ (3.470.000 đồng/bộ). Một lãnh đạo VTC cho biết, việc giảm giá này khiến VTC đang bán thiết bị dưới giá vốn, nhưng hết thời hạn 3 tháng khuyến mãi VTC sẽ tiếp tục cân nhắc để áp dụng chính sách bán thiết bị giá thấp để cạnh tranh.
Tham khảo các gói dịch vụ HD
Chương trình giảm giá “sốc” này đưa giá thiết bị của VTC giảm xuống ngang bằng với K+. Tuy nhiên mỗi nhà đài lại áp dụng những gói cước khác nhau. Tính tại thời điểm này, nếu khách hàng đăng ký mới dịch vụ HD (trọn bộ thiết bị và thuê bao 12 tháng) sẽ phải trả chi phí ban đầu như sau:
Dịch vụ HD của AVG (gói Cao cấp) sẽ phải trả chi phí lắp đặt và thuê bao 6 tháng là 1,7 triệu đồng, từ tháng thứ 7 trở đi thuê bao là 88.000 đồng/tháng, trọn gói 12 tháng đầu tiên là 2.228.000 đồng (xem được 94 kênh truyền hình trong đó có 9 kênh HD).
Dịch vụ HD của K+ (gói HD+) trọn bộ thiết bị và phí thuê bao 12 tháng là 5.240.000 đồng, phí gia hạn thuê bao 12 tháng tiếp theo là 3.240.000 đồng (bình quân thuê bao tháng 270.000 đồng/tháng), khách hàng xem được 73 kênh SD, 8 kênh HD và 3 kênh Radio.
Dịch vụ của VTC (gói kênh HD) trọn bộ thiết bị và phí thuê bao 12 tháng đầu tiên là 3.190.000 đồng, phí gia hạn thuê bao 12 tháng tiếp theo là 1.200.000 đồng, bình quân thuê bao 100.000 đồng/tháng (xem được 12 kênh HD và 86 kênh SD).
Xét ra gói Cao cấp của AVG vẫn có giá đầu tư ban đầu và thuê bao tháng rẻ nhất, kế đó là đến gói kênh HD của VTC, đắt nhất là gói HD+ của K+. Tuy nhiên đây mới chỉ là so sánh về giá cả thiết bị và phí thuê bao cũng như số lượng kênh.
Sự lựa chọn của khách hàng còn tùy thuộc sở thích thưởng thức các món ăn tinh thần của từng người và chính sách chăm sóc khách hàng của từng nhà đài. Lý do dễ nhìn thấy nhất để K+ đưa ra một mức cước thuê bao đắt nhất trên thị trường dịch vụ truyền hình HD hiện nay là sức hấp dẫn khi K+ sở hữu bản quyền nhiều giải đấu thể thao lớn của quốc tế, mà đỉnh cao là bản quyền giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 – 2016.
Còn VTC lại có thế mạnh khi thuê bao của VTC sẽ không bị gián đoạn tín hiệu khi hết hạn thuê bao mà chưa kịp nạp thẻ. Bất cứ thuê bao truyền hình nào của VTC cũng có thể xem được hơn 30 kênh truyền hình số quảng bá khi hết hạn thuê bao. Còn với dịch vụ của K+ và AVG khi hết hạn thuê bao mà khách hàng chưa nạp thẻ gia hạn sẽ bị cắt tín hiệu ngay lập tức.
Nhà đài chấp nhận lỗ để phát triển thuê bao
Ông Hoàng Lê Sơn – Giám đốc VTC Digital cho biết, thị trường truyền hình HD đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giữa 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh mà còn bị cạnh tranh mạnh bởi các phương thức truyền hình trả tiền khác như truyền hình cáp, truyền hình IPTV. Bên cạnh đó, xu thế dùng sản phẩm TV box cùng với sự phát triển của Smartphone, SmartTV và các loại hình giải trí đa phương tiện trên hạ tầng Internet sẽ tác động rất lớn tới các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình.
Theo ý kiến của giới chuyên môn, thực tế hiện nay cả ba nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh đều vẫn trong giai đoạn đầu tư chưa có lãi, thậm chí có nhà đài còn thua lỗ nặng, lỗ lũy kế lên tới hơn một nghìn tỷ đồng. Việc cho không thiết bị thu truyền hình vệ tinh như AVG hoặc bán thiết bị dưới giá vốn như VTC và K+ nhằm mục tiêu phát triển một tập khách hàng đủ lớn để thu phí dịch vụ.
Nhật Xuân-28/04/2013 06:15:18-ictnews.vn