Lộ trình chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của Việt Nam là phù hợp với lộ trình chuyển đổi của thế giới - Máy Chủ Việt Nam

Lộ trình chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của Việt Nam là phù hợp với lộ trình chuyển đổi của thế giới

Ngày 06/02/2013 đăng bởi seo3.VS [email protected]

Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia diễn ra sáng ngày 25/1/2013, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Cuộc họp cũng công bố một số doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp một số dịch vụ thương mại trên nền IPv6.

 

Tiến trình thực hiện chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo báo cáo của Ban Công tác và Thường trực ban (VNNIC), trong năm 2012, Ban Công tác đã được kiện toàn bộ máy, nhân sự.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về IPv6 được đẩy mạnh với việc tổ chức thành công Hội thảo “IPv6 – công nghệ và ứng dụng với Việt Nam” với sự tham gia của 370 đại biểu trong và ngoài nước.

Ngày 6/5/2013 cũng được Lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt là ngày IPv6 Việt Nam. Chương trình đào tạo IPv6 chuẩn 4 ngày đã được chuyển thể thành chương trình đào tạo trực tuyến song song với việc cung cấp việc đào tạo phổ cập kiến thức IPv6 trên website www.ipv6.vn.

Giáo trình, tài liệu cũng đang được xúc tiến chuyển giao, triển khai trong các chương trình đào tạo chính quy của các trường đại học, học viện. Việt Nam cũng hưởng ứng tích cực sự kiện World IPv6 Launch với việc VNNIC kích hoạt và duy trì sử dụng IPv6 trên website chính thức của VNNIC, NetNam cũng chuyển sang IPv6 cho website chính thức của công ty và một số khách hàng. Ban công tác đã phối hợp với Ban soạn thảo Nghị định về Internet xây dựng trong Dự thảo Nghị định Điều 18 về thúc đẩy ứng dụng IPv6.

Về xây dựng và thiết lập mạng IPv6 quốc gia, VNNIC đã xây dựng mạng IPv6 VNNIC từ năm 2006. Đến năm 2009 VNNIC chính thức đầu tư dự án IPv6 giai đoạn 1, triển khai mạng IPv6 đầu tiên ở Việt Nam. Trong năm 2012, VNNIC đã hoàn tất công tác quy hoạch để sẵn sàng đưa mạng IPv6 quốc gia chạy song song IPv4- IPv6 trong năm 2013 thay vì chạy thuần IPv6 như hiện tại. Hiện cũng đã có các đường kết nối thuần IPv6 ra quốc tế của VNPT, Viettel, FPT, NetNam, DTS, SPT. Một số ISP báo cáo đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ thương mại trên IPv6 ra cộng đồng.

Năm 2012, VNPT, Viettel và NetNam là các doanh nghiệp điển hình và rất tích cực trong việc triển khai IPv6. Các doanh nghiệp này đã hoàn tất việc ban hành kế hoạch chuyển đổi sang IPv6, thiết lập được đường kết nối thuần IPv6 ra quốc tế để góp phần nâng cao lưu lượng và chất lượng các dịch vụ thử nghiệm trên IPv6 trong đó NetNam đã sẵn sàng cung cấp một số dịch vụ thương mại trên nền IPv6 cho khách hàng như dịch vụ hosting, dịch vụ kết nối.

Các doanh nghiệp nói trên cũng khẳng định mạng lưới và mảng thiết bị phía mạng lõi của doanh nghiệp đều đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6. Viện thiết kế của Viettel đã thiết kế sản xuất mẫu USB IPv6 dự kiến quý I/2013 sẽ có sản phẩm. Doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu sản xuất điện thoại di động, Mega Switch, thiết bị cho mạng truyền hình cáp hỗ trợ IPv6.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn chung đối với các doanh nghiệp trong triển khai IPv6 là dịch vụ IPv6 chưa được phổ biến rộng rãi nên các hoạt động triển khai vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm và vẫn còn ít doanh nghiệp cung cấp nội dung quan tâm tham gia. Đặc biệt, ước tính đến nay vẫn còn 85% thiết bị đầu cuối khách hàng không hỗ trợ IPv6 khi chuyển đổi.

Theo dự kiến, năm 2013, Ban công tác sẽ phối hợp với các doanh nghiệp kết nối để chuyển mạng IPv6 quốc gia sang chạy song song cả IPv4- IPv6, hỗ trợ doanh nghiệp Internet xây dựng, triển khai các kế hoạch, lộ trình triển khai IPv6 của đơn vị; xúc tiến công tác nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về hợp quy thiết bị đầu cuối theo tiêu chuẩn IPv6. Việt Nam sẽ triển khai dự án thúc đẩy ứng dụng IPv6 trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ASEAN, xúc tiến đưa nội dung chuyên đề IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy của các trường đại học ngành điện tử viễn thông…

Trong phát biểu kết luận tại cuộc họp nêu trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo một số công tác trọng tâm trong năm 2013 như cần tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của Bộ nói chung và Ban công tác nói riêng. Nếu như thời gian qua Ban công tác chỉ tập trung làm việc với các đơn vị của Bộ, doanh nghiệp cung cấp, thì năm nay cần quan tâm phối hợp rộng hơn nữa, cần làm việc với các cơ quan chính quyền các cấp, các tập đoàn lớn, các ngành lớn, cộng đồng người sử dụng để phạm vi tác động rộng hơn nữa.

Công tác quy chuẩn, tiêu chuẩn cần đẩy mạnh hơn, chi tiết hơn đến cả các quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đến thiết bị đầu cuối và cần tham khảo học tập kinh nghiệm nước ngoài. Công tác truyền thông cần rộng rãi hơn, đến nhiều đối tượng hơn, cụ thể hơn. Các doanh nghiệp cần tiếp cận đến khách hàng. Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng khích lệ năm 2012 nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta khởi động sớm nhưng đi lại chậm so với các nước.

Nguyên nhân chính là chiến lược chính sách định hướng chưa rõ chuyển từ IPv4 sang IPv6 như thế nào, công nghệ nào. Do đó mà trong 2013 cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quan tâm đến xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, xây dựng lộ trình cụ thể quy định thiết bị nào, thời điểm nào phải áp dụng tiêu chuẩn IPv6. Ban công tác cần có cuộc họp với từng nhóm đối tượng khác nhau ví dụ nhóm sản xuất thiết bị, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thông tin lớn của Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các mạng lớn. Cần lên kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 1, đề ra nhiệm vụ cho cả giai đoạn tiếp theo. Cần làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa cho họ chương trình khung để đưa vào các trường Đại học đào tạo chính quy.

Nguồn (mic.gov.vn)

Từ khóa: may chumáy chủmaychuvps gia re

.
.
.
.
Danh mục sản phẩm
024 7303 4068