Ở Việt Nam, mới có 16% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.
Lo ngại sẽ gặp phải sự cạnh tranh của những DN viễn thông, mới đây các doanh nghiệp (DN) truyền hình đã đệ đơn lên cơ quan chức năng đòi “ngăn sông cấm chợ”. Điều này đang đi ngược với quy luật kinh tế thị trường.
Văn bản “lạ”!
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đã đồng loạt có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đề nghị có ý kiến chính thức về việc các DN viễn thông tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Cụ thể, tại Công văn số 1474/THVN-VP ngày 24/8/2012, VTV nêu quan điểm: Thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới trong thời gian qua đang có xu hướng chậm lại do truyền hình vệ tinh của VSTV (K+), VTC, HTV đã phủ sóng cả nước, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của các tầng lớp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, truyền hình số mặt đất chất lượng cao (công nghệ DVB-T2) của VTV, VTC, AVG có diện phủ sóng rộng, giá cả hợp lý và phù hợp với xu hướng số hóa truyền hình. Hơn nữa, ở các thành phố, thị xã, thị trấn, các tỉnh đồng bằng đều có ít nhất 2 mạng cáp, đã đáp ứng nhu cầu đa dạng, đa dịch vụ của người dân có thu nhập khá trở lên. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, dịch vụ MyTV của VNPT, NetTV của Viettel, iTV của FPT đã được phủ sóng đến hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn quốc.
Vì vậy, VTV cho rằng việc các Tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa, các đơn vị này không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình – một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Quan trọng hơn, điều này dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.
Ngày 23/8/2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng có văn bản chính thức đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép triển khai thêm mạng cáp truyền hình HFC cho các đơn vị mới. Nguyên nhân sâu xa là nếu đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, hiện tượng chồng chéo mạng sẽ gây mất mỹ quan đô thị, điện năng sử dụng cho mạng cáp gây lãng phí nhiều.
Tóm lại, các DN truyền hình đều kiến nghị cơ quan chức năng không cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) cho Viettel, VNPT và FPT.
Thị trường vẫn… rộng!
Những phản ứng trên của các DN truyền hình khi Viettel, FPT, AVG nhảy vào lĩnh vực này đã được giới truyền thông phỏng đoán từ trước. Điều đó được xem như sự phòng vệ của hầu hết các thị trường chưa có cạnh tranh một cách đầy đủ. Sự phản ứng của các DN truyền hình trả tiền ở góc độ nào đó cũng gần giống với thị trường viễn thông 10 năm trước khi Viettel nhập cuộc cung cấp dịch vụ.
Trong khi các DN truyền hình trả tiền lập luận rằng: “thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới trong thời gian qua đang có xu hướng chậm lại” thì các thống kê cho thấy lập luận đó không có sở cứ. Thông thường trên thế giới, truyền hình trả tiền chiếm đến hơn 50% số hộ gia đình, trong đó 75% là truyền hình cáp. Ngay tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, truyền hình cáp chiếm đến 90% trong dịch vụ truyền hình trả tiền. Thế nhưng, theo con số thông kê của Viện Chiến lược Thông tin – Truyền thông thì ở Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền mới có 16% số hộ gia đình sử dụng (tương đương hơn 2,8 triệu thuê bao), chỉ bằng 1/3 mức trung bình trên thế giới và khu vực. Nếu tính mỗi thuê bao truyền hình trả tiền là 1 hộ gia đình thì Việt Nam mới có gần 3 triệu hộ gia đình sử dụng truyền hình trả tiền trên tổng số hơn 20 triệu hộ gia đình.
Theo phân tích của Kantar Media, với dân số Việt Nam trên 85 triệu dân, tương đương 21 triệu hộ gia đình thì đây là thị trường tiềm năng rất lớn cho truyền hình trả tiền. Đặc biệt, theo quy hoạch truyền dẫn phát sóng đến năm 2020, bắt buộc phải số hóa truyền hình thì dịch vụ này sẽ phát triển mạnh. Bộ TT&TT cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2015 phải có 30 – 40% số hộ gia đình dùng dịch vụ truyền hình trả tiền và đến năm 2020 con số này được nâng lên 70%. Thị trường rộng lớn như vậy nên các DN viễn thông đang muốn nhảy vào khai thác.
DN đông nhưng manh mún, lộn xộn
Hơn ai hết, các DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã nhìn thấy sức mạnh của các DN viễn thông và nguy cơ bị mất thị phần. Theo thống kê của Bộ TT&TT hiện có tới 40 công ty truyền hình trả tiền. Thế nhưng, theo nhận định của ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc VTV, truyền hình trả tiền tại Việt Nam tuy “đông vui” nhưng lộn xộn – nơi thừa, nơi vẫn “đói”.
Còn Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin truyền thông cho biết, tuy có tới 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng thị trường này ở VN vẫn manh mún, chủ yếu là đơn vị có quy mô nhỏ. Thậm chí có những DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong phạm vi một vài huyện với vài nghìn thuê bao.
Trên thực tế, thị trường truyền hình trả tiền đang nằm trong tay các nhà cung cấp lớn đứng đầu là VTV với 3 thương hiệu là VCTV, SCTV, K+; sau đó đến BTS- Hà Nội, HTVC – TP.HCM và VTC. Các nhà cung cấp truyền hình cáp khác chỉ được cung cấp ở một địa bàn nhất định, đa phần là phát triển hạ tầng trên địa bàn (tỉnh/huyện) chứ không làm nội dung mà mua nội dung của những nhà cung cấp lớn nói trên để cung cấp cho khách hàng.
Trong một thị trường nhiều tiềm năng nhưng các DN manh mún, nhỏ bé thì việc lo ngại sự cạnh tranh đến từ các DN viễn thông là điều dễ hiểu. Sau khi mở cửa cho nhiều DN cung cấp dịch vụ, các DN viễn thông đã quen với áp lực cạnh tranh và làm tốt việc thu hút, chăm sóc khách hàng. Ngược lại, các DN truyền hình cáp vận động khá chậm chạp so với DN viễn thông.
Mặt khác, những DN viễn thông lại có thế mạnh là hạ tầng truyền dẫn nên có lợi thế về khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ vốn là điểm yếu của các DN truyền hình cáp. Thêm nữa, những DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hiện tại vẫn phải đi thuê truyền dẫn của các DN viễn thông.
Một đặc điểm nữa của truyền hình cáp khác với dịch vụ viễn thông là không bị níu kéo bởi số thuê bao. Khách hàng sẽ thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng, chăm sóc khách hàng tốt, nội dung phong phú và giá cả phù hợp. Vì vậy, chuyện các DN đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lo lắng khi Viettel, FPT, AVG nhảy vào thị trường này là điều tất yếu.
Chính sách phải duy trì cạnh tranh
Tiến sĩ Trần Minh Tuấn cho biết: Sự lộn xộn của các DN truyền hình trả tiền còn nằm ở chỗ nhiều đơn vị “bắt tay ngầm” trong việc cung cấp dịch vụ. Có không ít trường hợp DN truyền hình trả tiền đã hợp đồng với tòa nhà để độc quyền cung cấp dịch vụ, ngăn chặn sự có mặt của các DN khác. Bộ TT&TT hết sức phản đối vấn đề này vì chính việc cạnh tranh sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng. Bàn về chính sách cạnh tranh của thị trường, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường. Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh”.
Thái Khang – http://ictnews.vn – 24/09/2012 08:00:03
Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 115 ra ngày 24/9/2012