Giới chuyên môn cho rằng, dịch vụ OTT đã tác động lớn đối với người dân Việt Nam. Ảnh: Internet
ICTnews – Đến cuối năm 2013, có thể sẽ có 15 triệu thuê bao di động sử dụng dịch vụ OTT, tương đương 50 – 70% thuê bao đang dùng 3G sẽ sử dụng dịch vụ này. Như vậy, dịch vụ OTT đã tác động lớn đến người dân Việt Nam và cần có chính sách quản lý dịch vụ này.
Theo con số mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí (OTT – Over The Top) đang hoạt động rất mạnh tại Việt Nam thì đến cuối năm 2013, Việt Nam sẽ có khoảng 15 triệu người dùng dịch vụ mà các doanh nghiệp này đang cung cấp. Thậm chí, nếu thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt có thể đạt tới con số khoảng 20 triệu người dùng dịch vụ OTT vào cuối năm nay. Như vậy, khoảng 50 – 70% thuê bao đang dùng 3G sẽ sử dụng dịch vụ OTT.
Trong “cơn lốc OTT”, một số chuyên gia bảo mật, an ninh mạng cho rằng thực tế này đang tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn thông tin, đặc biệt là thông tin nhạy cảm của các doanh nghiệp, tổ chức. Trong khi đó, các mạng di động như Viettel, MobiFone, VinaPhone cũng “đau đầu” với dịch vụ OTT khi mỗi năm họ bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Giới chuyên môn nhận định rằng, dịch vụ OTT đã tác động lớn đến người dân Việt Nam và cần chính sách quản lý dịch vụ này. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, do các dịch vụ OTT đã có mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý, nhưng ở mức độ nào thì cần tiếp tục bàn bạc để không gây khó chịu với người sử dụng.
Tuy nhiên, quản lý dịch vụ OTT là vấn đề mới không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Chẳng hạn tại Hàn Quốc – quê hương của Kakao Talk – Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) mới đây đã phải đưa ra phán quyết nhà mạng có thể thu phụ phí khi sử dụng dịch vụ gọi di động bằng giao thức Internet (mVoIP) của Kakao hoặc chặn hoàn toàn các ứng dụng này. Kakao Talk là nguyên nhân khiến nhà mạng tại quốc gia này “đau đầu” bởi số lượng SMS tính trên đầu người giảm từ 1.819 tin nhắn năm 2010 xuống còn gần 429 tin nhắn vào tháng 6/2012. Theo 3 nhà mạng lớn nhất của Hàn Quốc, dịch vụ gọi miễn phí có thể dẫn tới quá tải mạng lưới, khiến chất lượng dịch vụ giảm và nếu doanh thu giảm, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cước.
Tại Trung Quốc, ba nhà mạng China Mobile, China Unicom và China Telecom đều tuyên bố, doanh thu của họ đã bị sụt giảm nặng nề bởi sự lên ngôi của những ứng dụng như WeChat. Ba mạng này đang nghiên cứu phương án tính phí “sử dụng ứng dụng” này với lý do WeChat ngốn quá nhiều băng thông dữ liệu mà lại không phát sinh doanh thu. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Miao Wei cho biết đang cân nhắc tới khả năng xây dựng một mức phí thấp cho các nhà mạng áp dụng với những ứng dụng OTT kiểu này.
Mới đây, Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Ả Rập Saudi đã chính thức chặn hoạt động của dịch vụ Viber để cảnh báo Skype và WhatsApp hãy tuân theo yêu cầu của các nhà quản lý. Ứng dụng Viber đã bị chặn tại Ả Rập Saudi từ ngày 5/6/2013. Kể từ ngày đó, người dùng tại Ả Rập Saudi không thể truy cập Viber trên bất kỳ thiết bị nào, kể cả máy tính. Viber cũng thông báo trên website của hãng là dịch vụ đã bị cấm. Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Ả Rập Saudi (CVS Trading) cảnh báo rằng họ sẽ có “hành động thích hợp” chống lại những “ứng dụng hoặc dịch vụ không tuân theo quy định khác”.
Trong nhiều năm liền các nhà mạng châu Âu đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) ngừng quản lý giá. Năm ngoái, sau khi EC mở rộng các chính sách quản lý giá, các nhà mạng châu Âu đã “tìm ra chân lý mới”, đó là: nếu họ không thể thuyết phục thành công chính phủ giải phóng họ khỏi những áp đặt mức giá, tại sao lại không thay đổi sân chơi bằng cách theo đuổi những chính sách quản lý tương tự với các dịch vụ OTT? Theo đó, các nhà mạng thúc giục EC phải áp dụng những chính sách không phân biệt đối xử với nhà mạng và phải có biện pháp quản lý OTT, vì cách quản lý thả lỏng của EC đối với các công ty OTT là “về lâu về dài sẽ gây bất ổn”.
Tuy không phải quốc gia nào cũng cấm dịch vụ OTT nhưng mỗi nước lại có chính sách quản lý khác nhau. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel cho biết, cước dữ liệu 3G thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam, trong khi nhu cầu về băng thông tăng lên rất nhanh. Vì vậy, chúng ta phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu. Như tại Mỹ, dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến bài toán doanh thu của các mạng di động vì cước dữ liệu của họ ở mức 10 USD/1GB. Ngoài ra, các nhà mạng cũng xóa bỏ những mức cước không giới hạn và quy định tăng dung lượng các gói ở mức 1GB nên người dùng dù chỉ sử dụng 100 Mb vẫn phải nộp mức phí 10 USD cho 1 GB dữ liệu. “Đó thực chất là quá trình cân đối lại giá cước mà các nhà mạng thế giới đang áp dụng”, ông Dũng cho biết.
Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG khẳng định, ứng dụng OTT là một xu hướng rất phát triển của thế giới và đem lại nhiều tiện ích cho người dùng. Vì vậy, việc chặn các ứng dụng này sẽ đi ngược lại xu thế thế giới, giống như thư điện tử (email) giảm giá trị của bưu chính nhưng không ai vì thư điện tử miễn phí mà cấm dịch vụ này. Nhưng do các dịch vụ OTT cũng có những tác động nhất định đến xã hội, tương tự như thư điện tử, mạng xã hội nên phải được kiểm soát ở một chừng mực nào đó thông qua đăng ký, cấp giấy phép thay vì “thả lỏng” hoàn toàn như hiện nay.
KD
http://ictnews.vn
15/07/2013 21:00:23
Từ khóa: vps gia re, vps giá rẻ, máy chủ ibm