ICTnews – Trước những tranh chấp giữa các doanh nghiệp Internet (ISP) có hạ tầng như CMC, FPT, Viettel, VDC, Bộ TT&TT đã bổ sung một số quy định về kết nối Internet vào dự thảo Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông cộng cộng nhằm bảo đảm dung lượng kết nối và giá cước kết nối Internet.
Nhà mạng tranh chấp kết nối Internet khách hàng lãnh đủ
Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) về vấn đề kết nối Internet, gần đây đã phát sinh một số vấn đề về kết nối Internet giữa các doanh nghiệp như CMC Telecom – Viettel, CMC Telecom – FPT Telecom, Viettel – VDC. Cụ thể, với trường hợp kết nối giữa CMC Telecom và Viettel, 2 doanh nghiệp này đã có thỏa thuận kết nối ngang hàng trực tiếp nhưng quá trình triển khai cho thấy lưu lượng CMC chuyển sang Viettel lớn hơn chiều ngược lại, do thuê bao CMC kết nối đến máy chủ website đặt tại Viettel lớn hơn, kết nối không còn tính chất cân bằng theo thỏa thuận ban đầu. Do vậy, Viettel đã yêu cầu CMC thanh toán theo dung lượng kết nối trong trường hợp lưu lượng chuyển sang nhau không cân bằng nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hiện Viettel đã tiến hành các giải pháp kĩ thuật để đảm bảo lưu lượng giữa 2 bên trong kết nối là ngang bằng trong thời gian đàm phán kết nối mới. Điều đó, đồng nghĩa với việc tốc độ và dung lượng sử dụng của một số thuê bao CMC sẽ giảm đi (không đảm bảo chất lượng dịch vụ) khi truy cập sang các website có đặt máy chủ tại Viettel.
Tương tự, với trường hợp của CMC Telecom – FPT Telecom, 2 doanh nghiệp này đã kết nối và trao đổi lưu lượng không tính cước suốt một thời gian. Tuy nhiên, trong năm 2012, FPT đã yêu cầu CMC phải thanh toán giá cước kết nối trực tiếp theo dung lượng kết nối. Tính đến tháng 3/2013, CMC và FPT đã đạt được thỏa thuận về tiếp tục kết nối trực tiếp giữa 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quãng thời gian đợi 2 bên thỏa thuận với nhau, các thuê bao của CMC đã gặp khó khăn khi truy cập các trang web đặt máy chủ tại FPT như vnexpress… và ngược lại, các thuê bao của FPT Telecom cũng gặp không ít khó khăn khi truy cập những website đặt tại trung tâm dữ liêu của CMC. Đến nay, dù đã thoải thuận xong nhưng CMC cho rằng, họ buộc phải chấp nhận điều khoản ký kết hợp đồng với FPT vì không có lựa chọn khác và đề nghị Bộ TT&TT sớm có quy định mức cước kết nối và cách tính toán lưu lượng kết nối.
Theo phản ánh của VDC, từ ngày 1/3 – 22/3/2013, các thuê bao 3G của Viettel bị chậm kết nối tới một số website đặt tại VDC như báo dantri, nhaccuatui… Sau đó, Viettel đã có công văn xác nhận về việc này, nguyên nhân chủ yếu là do kênh kết nối trực tiếp giữa VDC và Viettel đã bị cắt từ ngày 1/3 theo đề nghị của VDC. Do đó, lưu lượng trao đổi giữa 2 doanh nghiệp phải chuyển qua đường kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) trong khi dung lượng kết nối đến VNIX của 2 doanh nghiệp không được nâng lên, do đó gây ra hiện tượng nghẽn. Từ ngày 24/3, Viettel và VDC đã nâng dung lượng kết nối đến VNIX và hiện tượng truy cập Internet từ thuê bao 3G của Viettel đã trở lại bình thường. Nhưng việc VDC và Viettel ngắt Hợp đồng kết nối trực tiếp là không có lợi cho cả hai bên và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
ICTnews đã nhiều lần nhận được phản ánh của một số ISP dưới góc độ các doanh nghiệp “chơi xấu” cắt kết nối để gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của nhau. Cho dù tranh chấp về kết nối giữa các doanh nghiệp xảy ra, nhưng khách hàng lại là những người bị ảnh hưởng đầu tiên khi việc truy cập Internet không đảm bảo chất lượng dịch vụ như tốc độ không như cam kết của nhà mạng hay khó truy cập vào những trang web thông dụng như tin tức, nghe nhạc…
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, các trường hợp vướng mắc về kết nối giữa các bên chủ yếu liên quan đến việc bảo đảm dung lượng kết nối, giá cước kết nối hay vấn đề hợp đồng giữa các doanh nghiệp như không có hợp đồng, hết hạn hợp đồng hoặc xảy ra những vấn đề nằm ngoài phạm vi hợp đồng.
Quy định về giá cước kết nối trên cơ sở giá thành
Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông đã bổ sung một số quy định về kết nối Internet vào dự thảo Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông cộng cộng với quy định bảo đảm dung lượng kết nối và quy định về giá cước kết nối Internet. Theo đó, việc bảo đảm dung lượng kết nối Internet phải tuân thủ các nguyên tắc về đảm bảo dung lượng kết nối viễn thông như khi lưu lượng kết nối giữa các doanh nghiệp bị nghẽn (lưu lượng sử dụng trung bình của mỗi hướng kết nối vượt quá 70% trong 7 ngày liên tục), các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đàm phàn, thỏa thuận mở rộng dung lượng kênh kết nối. Đối với kết nối VNIX, nếu không đạt được thoả thuận, doanh nghiệp phải mở rộng kênh kết nối thêm dung lượng tối thiểu 1Gbps và phải hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Còn khung giá cước kết nối Internet sẽ do Bộ TT&TT quy định trên cơ sở giá thành dịch vụ kết nối do các doanh nghiệp báo cáo, trong đó đối với kết nối Internet trực tiếp, nếu kết nối Internet trực tiếp ngang bằng (do các doanh nghiệp tự thỏa thuận) sẽ không áp dụng giá cước kết nối. Trong trường hợp kết nối Internet trực tiếp không ngang bằng, Bộ TT&TT sẽ quy định khung giá cước kết nối theo dung lượng kết nối (từ A- B đồng/1Gbps/tháng) mà doanh nghiệp yêu cầu kết nối phải trả cho doanh nghiệp cung cấp kết nối. “Sau khi thị trường Internet hoạt động, phát triển ổn định thì sẽ xem xét tới việc cho phép các doanh nghiệp tự thỏa thuận về giá cước trên cơ sở giá thành và theo hình thức kết nối. Khi đó, Bộ TT&TT chỉ giữ vai trò giám sát việc tuân thủ giá cước đăng ký của các doanh nghiệp”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2013, Bộ TT&TT sẽ tổ chức Hội thảo giữa các doanh nghiệp lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông cộng cộng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ Internet có sự khác biệt rất lớn đối với dịch vụ thoại. Cụ thể, đối với dịch vụ thoại, người gọi là người trả tiền nhưng dịch vụ Internet thì người nhận thông tin (tải dữ liệu) mới là người phải trả phí. Vì vậy, quy định nên nói rõ khi chênh lệch dung lượng chiều đi và về thì doanh nghiệp nào sẽ được hưởng và phải làm rõ khái niệm doanh nghiệp yêu cầu kết nối, doanh nghiệp cung cấp kết nối. “Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp nội dung lớn với doanh nghiệp có hạ tầng như các doanh nghiệp viễn thông, theo quy định quốc tế, khi doanh nghiệp Việt Nam kết nối với Google, Facebook… nếu dùng nhiều dữ liệu hơn sẽ phải trả phí cho họ nhưng điều này liệu có xảy ra hay không giữa một doanh nghiệp nội dung lớn “nội địa” với Viettel, VNPT… ”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, trên thế giới, ít nước nào có quy định về Internet nói chung và kết nối Internet nói riêng vì nguyên tắc của quản lý Internet là hoàn toàn để cho thị trường quyết định, trong đó chính phủ các nước chỉ giữ vai trò định hướng. Dù gần đây kết nối Internet giữa các doanh nghiệp gặp một vài trục trặc nhưng cũng không thể phủ nhận tổng thể việc kết nối Internet ở Việt Nam khá tốt. Các tranh chấp kết nối xảy ra trong bối cảnh dịch vụ nội dung trong nước đang có những bước phát triển mạnh, nhất là những doanh nghiệp vừa làm hạ tầng vừa làm nội dung như FPT, Viettel, VNPT hay xuất hiện những doanh nghiệp nội dung mới. Vì thế, việc phân chia nội dung, hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau cũng như doanh nghiệp viễn thông với doanh nghiệp nội dung bắt đầu nảy sinh vấn đề. Do đó, chúng ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng để tiếp tục thúc đẩy kết nối Internet, bởi vì chỉ có kết nối tốt thì chất lượng mạng Internet mới đảm bảo và giá thành hợp lý. “Tương tự như kết nối viễn thông trước kia cũng gặp rất nhiều trở ngại nhưng sau khi ban hành cơ chế, chính sách thì gần như mọi khó khăn đã được tháo gỡ và không gặp các vụ kiện tụng nữa”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Ngoài ra, vấn đề kỹ thuật trong kết nối Internet và viễn thông không phải là vấn đề lớn, chủ yếu là quyền lợi, lợi ích về mặt kinh tế. Chính vì vậy, sắp tới, các quy định trong Thông tư về kết nối của chúng ta phải “mềm” để doanh nghiệp có quyền lựa chọn các phương án và giải quyết được đồng bộ giữa kỹ thuật và kinh tế.
TP
http://ictnews.vn