Một trong những xu hướng trong việc phát triển và vận hành hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian tới của các doanh nghiệp Việt Nam là thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu (Data Center – DC).
Theo ông Hà Huy Hào, Tổng giám đốc Juniper Networks Việt Nam, với một doanh nghiệp, việc phải xây dựng các phòng ban và đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin để quản lý trung tâm dữ liệu là khá phức tạp, vất vả và tốn nhiều chi phí.
Ngoài ra, ban lãnh đạo còn phải chia sẻ thời gian và công sức để quản trị đội ngũ vận hành và sử dụng trung tâm trong nội bộ, làm giảm sự tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính. Trung tâm dữ liệu, một khi doanh nghiệp tự thiết lập, phải được thiết kế sao cho có độ an toàn, tính sẵn sàng và liên tục cao nhất, để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra.
“Mỗi một sự cố xảy ra có thể dẫn tới tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp có xu hướng là thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu,” ông Hào nhận định.
Tại Việt Nam hiện có nhiều đơn vị cho thuê trung tâm dữ liệu như FPT-IS, Viettel, VDC, CMC, Lạc Việt, VinaData…
Ông Nguyễn Xuân Việt, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ hệ thống thông tin FPT (FPT-IS), cho biết khách hàng có nhu cầu về dịch vụ trung tâm dữ liệu có thể chia thành hai nhóm: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường có nhu cầu thuê máy chủ (DC Hosting) và dịch vụ quản trị (Managed Services); còn các doanh nghiệp lớn thường có nhu cầu về trung tâm Co-location.
Họ có thể sử dụng trung tâm đi thuê để vừa làm trung tâm lưu trữ chính của mình vừa làm trung tâm sao lưu (Backup) và khôi phục sau thảm họa (Disaster Recovery), bảo đảm tính liên tục, liền mạch trong quá trình kinh doanh.
Trung tâm dữ liệu là một môi trường tích hợp hệ thống chuyên dụng về phần cứng (các hệ thống máy chủ – server), hệ thống lưu nguồn điện dự phòng (UPS và máy phát điện dự phòng), các hệ thống backup khôi phục dữ liệu và các chương trình phần mềm. |
Ông Việt cho rằng, trung tâm dữ liệu là “trái tim” của mỗi doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hoạt động dựa nhiều trên nền của hệ thống này. Không chỉ trung tâm dữ liệu, các doanh nghiệp cần quan tâm cả tới các bài toán về sao lưu, khôi phục sau thảm họa. Vì thế, bảo mật là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi trung tâm dữ liệu.
Để đáp ứng yêu cầu bảo mật, các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp tự xây dựng trung tâm dữ liệu cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ) phải đầu tư một hạ tầng phù hợp, từ thiết bị bảo mật, kiểm soát việc truy nhập, camera giám sát… đến việc xây dựng quy trình quản trị bảo mật thông tin tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, với đội ngũ giám sát chuyên nghiệp.
Theo sự tư vấn của các nhà cung cấp dịch vụ, mỗi đối tượng doanh nghiệp khác nhau có nhu cầu khác nhau dẫn tới việc lựa chọn dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng khác nhau.
Tùy theo quy mô và nhu cầu, doanh nghiệp có thể thuê trọn gói hay một phần trung tâm dữ liệu. Doanh nghiệp có thể chỉ phải đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, còn các yếu tố khác như điện, hệ thống làm mát, đường truyền sẽ được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ.
Có rất nhiều loại hình dịch vụ, ví dụ, về dịch vụ thuê chỗ trung tâm dữ liệu, có thể thuê chỗ đặt một phần của tủ rack hoặc thuê một khu vực riêng đặt nhiều tủ rack. Với dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ cho trung tâm dữ liệu, khách hàng sẽ phải đặt ra một loạt câu hỏi mà nhà cung cấp dịch vụ phải trả lời về diện tích, tải trọng sàn, số trạm điện, số máy phát điện, về UPS dự phòng, hệ thống làm mát tiêu chuẩn, hệ thống phòng cháy chữa cháy tiêu chuẩn, phương tiện chữa cháy, hệ thống bảo mật…
Thông thường, chi phí thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu thấp hơn rất nhiều so với việc tự trang bị. Chi phí tự xây dựng một trung tâm tiêu chuẩn cao có thể lên tới 6.000-12.000 đô-la Mỹ cho mỗi mét vuông và thời gian hoàn thành nhanh nhất là khoảng sáu tháng. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, giá thuê một rack tiêu chuẩn 42U, công suất tiêu thụ điện 4-6 KVA dao động từ 2.000-2.500 đô-la Mỹ/tháng.
Ông Việt nói: “Gửi dữ liệu là gửi niềm tin. Các doanh nghiệp nên chọn các trung tâm dữ liệu là các đơn vị có uy tín. FPT-IS là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 27001 cho lĩnh vực này và vận hành theo tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. FPT-IS có trung tâm dữ liệu được xây dựng tại Khu Công nghiệp Cầu Giấy với hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có sức chứa lên đến hàng trăm tủ rack, có khả năng thích hợp với hầu hết các loại máy chủ và thiết bị công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn Tier III. Trung tâm của FPT-IS có khả năng kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam như Viettel, VDC, EVN…”
Ông Lê Đức Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Viettel IDC, nhận định dịch vụ cho thuê trung tâm dữ liệu sẽ bùng nổ trong năm 2010 bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng việc thuê ngoài rất quan trọng. Trung tâm nếu đặt ở ngay tại doanh nghiệp có thể có độ rủi ro rất cao.
Ông Hoàng cho biết, Viettel mới bắt đầu kinh doanh dịch vụ này trong tháng Sáu với việc hoàn thành đầu tư giai đoạn 1: hoàn thiện hai tòa nhà nhỏ trong dự án đầu tư trung tâm dịch vụ dữ liệu tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và tại Bình Dương với tổng diện tích khoảng 10.000 mét vuông.
“Tuy mới bắt đầu hoạt động nhưng 70% phòng máy đã được thuê ngay sau khi dịch vụ được cung cấp. Hiện Viettel IDC đang tiếp tục hoàn thiện hai tòa nhà để kinh doanh trung tâm dữ liệu tại hai khu này với diện tích 20.000 mét vuông để đi vào hoạt động vào tháng 11 tới,” ông Hoàng cho biết.
Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện Việt Nam chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu với chất lượng theo đẳng cấp quốc tế, nhưng tình hình này có thể được cải thiện trong thời gian tới, khi các nhà cung cấp dịch vụ thật sự nhìn thấy cơ hội kinh doanh để tăng thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác mà các chuyên gia cho rằng sẽ thúc đẩy dịch vụ này phát triển – đó chính là sự thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về việc thuê dịch vụ.
“Thuê ngoài một số dịch vụ chính là một trong các biện pháp tốt nhất để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là điều đã rất phổ biến trên thế giới và xu hướng này sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong nay mai. Việc thuê trung tâm dữ liệu cũng không nằm ngoài xu hướng này,” ông Hoàng nói.
Các loại hình dịch vụ trung tâm dữ liệu
DC Co-location: Dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ. Dịch vụ này quan tâm tới việc cung cấp chỗ đặt máy (không gian, diện tích), tủ mạng và các kết nối cho khách hàng, sao cho đáp ứng đầy đủ nhu cầu của một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại (hệ thống điện dự phòng, máy phát điện, lưu điện, hệ thống làm mát, hệ thống phòng cháy chữa cháy, an ninh-bảo mật cao cấp).
DC Hosting: Dịch vụ cho thuê máy chủ, liên quan tới Internet. Đối tượng khách hàng của dịch vụ này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là hosting web server và các ứng dụng nhỏ. Loại hình dịch vụ này thường đi kèm với việc cung cấp kết nối Internet.
DC Value-added Services hay Managed Services: Dịch vụ này giúp khách hàng trong việc vận hành hệ thống, từ những công việc đơn giản như giám sát sự vận hành của hệ thống network tới những việc phức tạp hơn như xử lý các sự cố về mạng, những sự cố liên quan tới database, ứng dụng…
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử)